Khơi thông điểm nghẽn tín dụng

(BĐT) - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực vào đầu năm 2018 được kỳ vọng tạo sự thông thoáng trong tiếp cận vốn cho DNNVV. Song vốn có thực sự đến được với DNNVV hay không là câu hỏi đang chờ lời giải đáp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chưa đầy 30% DNNVV tiếp cận được tín dụng từ ngân hàng

DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo Nâng cao năng lực toàn diện cho DNNVV tiếp cận tín dụng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng KasikornBank (Kbank) của Thái Lan tổ chức sáng 29/3, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu chỉ ra, DNNVV vẫn là lực lượng còn yếu thế, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để có thể cạnh tranh phát triển. Một trong những khó khăn nổi lên đối với khối DN này chính là khả năng tiếp cận tín dụng.

Nhìn rõ thực trạng trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DNNVV; điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Thế nhưng, theo ông Hiếu, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống ngân hàng thương mại còn hạn chế, tổng dư nợ tín dụng cho DNNVV chiếm trung bình chỉ khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2017. Số lượng DNNVV tiếp cận được tín dụng từ ngân hàng cũng rất hạn chế, chưa đầy 30% tổng số DNNVV; còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù hoạt động cung cấp tín dụng cho DNNVV thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, song qua tiếp cận thông tin, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc cho vay vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Điển hình là hạn chế xuất phát chính từ bản thân DNNVV (quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị hạn chế…); chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả… 

Nâng cao năng lực toàn diện

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận tín dụng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và DNNVV. Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng..., qua đó giúp các ngân hàng và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ tín dụng cho khối DN này, theo ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV, Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, bản thân các cơ quan hỗ trợ của Nhà nước có liên quan cần đầu tư hơn nữa giúp DNNVV nâng cao năng lực quản trị, điều hành, từ đó sử dụng khoản vay đúng mục đích, tức là ngân hàng phải đồng hành cùng DNNVV (đào tạo, tư vấn…), chứ không đơn thuần là cấp vốn cho DN mà đòi hỏi họ sử dụng hiệu quả ngay được.

Tiếp tục khẳng định phát triển DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên tín dụng, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, ngành sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, trong đó có DNNVV. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhấn mạnh 3 việc quan trọng mà DNNVV cần phải thực hiện ngay để nâng cao năng lực tiếp cận tài chính. Đầu tiên là phải cố gắng minh bạch thông tin tốt hơn nữa. Tiếp đó, DNNVV phải cố gắng quản trị bài bản và minh bạch hơn. “Trên thực tế, tôi vẫn còn nghe nhiều ý kiến phàn nàn về khả năng quản trị của DN Việt Nam, nhất là DNNVV còn chưa bài bản, thiếu minh bạch”, ông Lực chia sẻ. Việc quan trọng thứ ba, theo ông Lực, DNNVV cần nâng cao khả năng quản lý chiến lược và quản lý tài chính, qua đó có được những dự án hiệu quả nhằm đề xuất ngân hàng cho vay hoặc cấp vốn tín dụng.

Với kinh nghiệm khoảng 70 năm trong hỗ trợ DNNVV ở Thái Lan, ông Pattarapong Kanhasuwan, Phó Chủ tịch Kbank cho biết, nếu Kbank nhận được giấy phép hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, Ngân hàng sẽ mang những kiến thức chuyên môn của mình để hỗ trợ tín dụng cho DNNVV Việt Nam một cách tốt nhất. Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, Kbank sẽ cung cấp cho các DNNVV kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động để góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.

Chuyên đề