Khơi thông các điểm nghẽn thể chế kéo dài nhiều năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, một trong ba khâu đột phá chiến lược bằng nhiều giải pháp cụ thể. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
Những quy định chưa thống nhất giữa các luật về đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, làm chậm tiến độ triển khai, giải ngân nhiều dự án. Ảnh: Lê Tiên
Những quy định chưa thống nhất giữa các luật về đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, làm chậm tiến độ triển khai, giải ngân nhiều dự án. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều luật về đầu tư, kinh doanh còn gây vướng mắc

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”, nhưng theo Luật Nhà ở: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt”. Như vậy, theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng, phải xác định được chủ đầu tư dự án, cấp thẩm quyền mới giao đơn vị tổ chức lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở, việc giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết được phê duyệt. UBND TP. Hà Nội chỉ ra mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực hiện và đề nghị có hướng dẫn thống nhất.

UBND tỉnh Hải Dương phản ánh có sự chồng chéo về giấy phép hoạt động điện lực và chứng chỉ năng lực hoạt động điện lực giữa Luật Điện lực và Luật Xây dựng, gây khó khăn trong công tác lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, theo quy định của Luật Điện lực, tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện phải có giấy phép hoạt động điện lực. Theo Luật Xây dựng, đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Hải Dương đề xuất phương án xử lý sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng và Luật Điện lực thống nhất quy định về giấy phép hoạt động và chứng chỉ năng lực hoạt động vào một loại văn bản và do một cơ quan cấp.

Còn theo UBND tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, hiện nay dự án nhóm B, nhóm C không được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Nhiều dự án nhóm B, nhóm C quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước không thể triển khai thực hiện được, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân dự án.

Hà Nội, Đồng Nai, Gia Lai, Quảng Ngãi, Hưng Yên… cho biết, quy định chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở đang gây nhiều vướng mắc cho các địa phương.

Theo kết quả tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, 63 địa phương phản ánh vướng mắc liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Qua rà soát của Văn phòng Chính phủ, có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.

Lựa chọn vấn đề cấp bách để tháo gỡ ngay

Cải cách thể chế tiếp tục là đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2023. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 17/8/2021, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng nêu rõ làm có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ ngay, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Các vấn đề khác Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý kịp thời trong thời gian tới, với quan điểm bám sát thực tiễn; mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quản lý nhà nước bằng xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư