Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp” tổ chức chiều ngày 23/8 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Trung |
Tại Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu (CSH) nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp” tổ chức chiều ngày 23/8 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ủng hộ quan điểm thành lập cơ quan này.
Nguồn lực lớn chưa được khai thác
Ông Dag Detter, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Tài sản công là tài sản lớn, nếu quản lý tốt có thể là yếu tố tạo ra sự thịnh vượng đối với nền kinh tế”. Vị chuyên gia WB nhìn nhận, nguồn lực này ở Việt Nam chưa được khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế thời gian vừa qua. Hiện tổng tài sản của DNNN là 5.408,4 triệu tỷ đồng (tương đương 240 tỷ USD), cao gấp hơn 1,2 lần GDP nhưng hiệu quả đầu tư của khối DNNN vẫn thấp hơn khu vực tư nhân. Trên thực tế, DNNN đang lấn át tỷ lệ về vốn và số dự án đầu tư so với khu vực tư nhân, nhưng tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư luôn thấp hơn 2 lần so với khu vực tư nhân. “Đáng ngại hơn, phần lớn các bất động sản nằm trong tay Nhà nước không thể hiện rõ về năng suất và lợi ích trong việc sử dụng. Khối tài sản công hiện nay vẫn như tảng băng lớn, phần tài sản nhìn thấy mới chỉ là phẩn nổi mà thôi” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông William P. Mako, chuyên gia tư vấn quốc tế, đồng quan điểm nêu trên và cho biết thêm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, hiện khối DNNN của Việt Nam đang sở hữu nhiều tài sản nhất trong nền kinh tế, nhưng lâu nay vẫn “được quên đi”, không đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Cần có phương pháp quản lý hiệu quả
Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến có đề xuất thành lập “Ủy ban Quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” – cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện chức năng trên. Ông William P. Mako cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ. Vì thế, chúng ta cần làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan này trong Chính phủ Việt Nam, người đứng đầu cơ quan chuyên trách có vị trí như thế nào trong Chính phủ, có ngang cấp bộ hay không?
Tại Hội thảo, một số ý kiến nêu vấn đề nên chăng chọn một tên gọi khác thay vì “Ủy ban” như Dự thảo Nghị định đề xuất để giảm thiểu sự can thiệp hành chính đối với cơ quan này.
Tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Việc thành lập cơ quan chuyên trách là cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Theo thiết kế, cơ quan này sẽ có cách quản lý riêng, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu để bộ chủ quản sẽ không can thiệp vào hoạt động cụ thể của từng DNNN mà bộ quản lý, đảm bảo cho khối DNNN và khối doanh nghiệp tư nhân có được sự cạnh tranh bình đẳng hơn”.