Khởi nghiệp, tái khởi nghiệp và tinh thần người sáng lập

(BĐT) - Những doanh nghiệp khởi nghiệp thường được thành lập bởi những người sáng lập trẻ tuổi, họ sở hữu một lợi thế cạnh tranh quyết định sự thành công so với các công ty lớn. Đó là tinh thần người sáng lập hay còn gọi là “the founder’s mentality”. 
FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới
FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới

Tinh thần này, qua tổng kết từ hàng trăm công ty khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới, là các yếu tố được di truyền như một ADN trong GEN của công ty, thể hiện ở: sự tiên phong, máu lửa; ám ảnh phục vụ khách hàng và tư duy như người chủ.

Khởi nghiệp và tinh thần người sáng lập

“Tiên phong, máu lửa” là yếu tố thể hiện trong tinh thần của những người mới khởi nghiệp. Họ có một khát vọng cháy bỏng là muốn làm một cái gì đó như cuộc cách mạng để định nghĩa lại thị trường truyền thống hoặc tạo ra một thị trường hoàn toàn mới nhằm phục vụ những nhu cầu chưa được phục vụ hoặc khai phá của khách hàng. Ví dụ ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, năm 32 tuổi, khi thành lập FPT đã viết sứ mạng “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới...”. Tức là đã không muốn đi theo kiểu cũ, mà muốn xây dựng FPT thành một tổ chức “kiểu mới”, mặc dù kiểu mới thế nào cũng có thể chưa hình dung ra. Chúng ta có thể quan sát thấy ở người sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp đang thành công như Thế Giới Di Động, VietJet, Vingroup,… đều thấy một sứ mạng to lớn mà họ muốn đạt được.   

Khởi nghiệp, tái khởi nghiệp và tinh thần người sáng lập ảnh 1
Ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc Điều hành FPT
“Ám ảnh phục vụ khách hàng” là yếu tố thứ hai của tinh thần người sáng lập. Khi mới khởi nghiệp, người sáng lập chính là những người bán hàng, họ sống với hơi thở của khách hàng. Họ quan tâm sâu sắc từng chi tiết nhỏ nhất liên quan tới trải nghiệm của khách hàng. Họ thuộc và nhớ tên từng khách hàng. Trăn trở tìm mọi cách phục vụ tốt nhất, nhanh nhất cho khách hàng. Chính sự ám ảnh khách hàng này lan tỏa và truyền cảm hứng tới nhân viên xung quanh và giúp công ty liên tục cải tiến, đổi mới sản phẩm và vượt lên đối thủ cạnh tranh, tạo sự tăng trưởng vượt bậc so với các công ty lớn sẵn có trên thị trường. Sự ám ảnh khách hàng cùng với khát vọng lớn làm cho họ có thể làm việc 14 - 15 tiếng một ngày không biết mệt mỏi.  

“Tư duy như người chủ” là đặc điểm thứ 3 có thể quan sát ở công ty khởi nghiệp, thường thì đây là một nhóm xung quanh các sáng lập (founder), nhà sáng lập truyền cho họ cảm hứng và cán bộ công ty làm việc như làm việc cho chính sự nghiệp của mình. Họ gắn sự nghiệp của công ty với sự nghiệp của bản thân. Sử dụng tiền công ty như tiền của cá nhân. Hành động và làm việc cho công ty nhanh và quyết đoán như làm việc của cá nhân. Tư duy người chủ giúp công ty khởi nghiệp tiết kiệm từng đồng, giúp họ quyết định nhanh chóng với tinh thần trách nhiệm cao.     

Với những “tố chất” này của tinh thần người sáng lập, công ty khởi nghiệp có thể tăng trưởng nhanh chóng thông qua cung cấp các sản phẩm có tính đột phá, tiên phong và liên tục cải tiến sản phẩm phục vụ khách hàng, hành động quyết đoán, nhanh và hiệu quả. Và sau một thời gian, các công ty khởi nghiệp mới với tốc độ tăng trưởng cao có thể vượt qua các công ty truyền thống, các công ty lớn đang “ngủ quên” vì đang ở vị trí chiếm lĩnh thị trường.

Nếu xem một thống kê về tăng trưởng lợi nhuận của tất cả các công ty thuộc danh sách Fortune 500, là tập hợp của 500 đế chế doanh nghiệp lớn nhất thế giới, trong vòng 15 năm gần đây có thể thấy một con số đáng giật mình là khoảng 40% trong số các công ty này đã bị phá sản, hoặc mua lại (ví dụ Nokia, Yahoo...); 35% số còn lại rơi vào trình trạng trì trệ có mức tăng trưởng xấp xỉ ngang hoặc thấp hơn mức độ bình quân của ngành và chỉ có khoảng 25% là vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao 2x hoặc 3x so với tốc độ bình quân của ngành. Sự đảo chính này chính là do các công ty khởi nghiệp mới ví dụ như Facebook, Apple, Amazon…, với vũ khí cạnh tranh là “tinh thần người sáng lập”, các công ty khởi nghiệp đã nhanh chóng đảo chính các công ty “già”, chậm thay đổi mặc dù các công ty này “chẳng làm gì sai cả nhưng... đã thất bại” như lời nhận xét cay đắng của Tổng giám đốc Nokia khi Công ty bị sáp nhập.    

Khởi nghiệp sáng tạo và tốc độ phá hủy ngày càng nhanh đối với các phương thức cũ

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ông Klaus Schwab đã đặt câu hỏi với các công ty to hàng đầu thế giới là “ai là đối thủ cạnh tranh trong tương lai?” của họ và ông đã tự đưa ra câu trả lời: “Đó là những công ty đơn giản, trẻ, nhanh và được trang bị bởi công nghệ mới”. Điều này khá trùng hợp với lời khuyên 30-30-30 của Jack Ma khi ông nói tương lai của thế giới 30 năm tới sẽ thuộc về các công ty của những người dưới 30 tuổi, có khoảng 30 nhân viên và sở hữu công nghệ và phương thức kinh doanh hoàn toàn mới.

Vậy theo bạn, đối thủ cạnh tranh của VPNT là ai? Phải chăng là Viettel hay FPT? Không phải như vậy. Đối thủ của VNPT là các công ty như Zalo, Viber... Họ chính là các công ty đã và sẽ lấy đi toàn bộ dịch vụ nhắn tin, gọi thoại, các dịch vụ giá trị gia tăng khác của VNPT, Viettel… Tương tự như vậy, với các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV…, các công ty trẻ áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực Fintech có thể lấy toàn bộ các dịch vụ thanh toán của các ngân hàng truyền thống. Thế Giới Di Động, FPTshop đang nổi danh cũng hãy dè chừng các công ty thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Cũng tương tự như vậy, Uber và Grab có thể sẽ lấy đi toàn bộ dịch vụ taxi truyền thống chỉ qua một giấc ngủ quên. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các công nghệ nền tảng như SMAC/IoT đã tạo cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo (khởi nghiệp dựa trên công nghệ mới) một cơ hội to lớn. Tốc độ bị thay thế (phá sản, bị sáp nhập) của các công ty lớn trong Bảng xếp hạng Fortune 500 có thể không phải 40% như trong 15 năm qua, mà có thể là 60%, thậm chí 80% trong 10 năm tới. Vậy các công ty lớn, đang trở nên già cỗi, trì trệ và xa rời khách hàng chính là biểu hiện của sự “tự chuyển hóa, tự diễn biến”, mất đi những giá trị của tinh thần người sáng lập vốn đã làm nên sự thành công của công ty những ngày đầu, có thể sẽ tiếp tục là những nạn nhân của làn sóng thay đổi ngày càng nhanh và mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.    

Khởi nghiệp và tái khởi nghiệp

Các công ty lớn vốn có rất nhiều thế mạnh về vị trí thị trường, thương hiệu, về nguồn nhân lực dồi dào và về tiền của… Tuy nhiên, họ lại đang có một điểm yếu chết người, đó là khi công ty càng lớn thì càng mất đi “tinh thần người sáng lập”.
Các công ty lớn, họ vốn có rất nhiều thế mạnh về vị trí thị trường, thương hiệu, về nguồn nhân lực dồi dào và về tiền của… Tuy nhiên, họ lại đang có một điểm yếu chết người, đó là khi công ty càng lớn thì càng mất đi “tinh thần người sáng lập”. Công ty càng to ra thì ngày càng trở nên phức tạp. Và sự “phức tạp” này chính là loại virus âm thầm và ngọt ngào giết chết công ty.

Các bạn cứ thử hỏi những nhà sáng lập hiện đang rất thành công như Chủ tịch HĐQT của FPT, Thế Giới Di động, Vingroup… là nếu thời gian quay ngược lại, và nếu bây giờ Chủ tịch chỉ là một sinh viên 23 - 24 tuổi như 30 năm về trước, thì anh/chị có đầu quân vào làm việc cho FPT, Thế Giới Di Động… với qui mô như hiện nay và bắt đầu như một nhân viên hay không? Liệu các vị Chủ tịch của các công ty này sẽ trả lời như thế nào?

Câu hỏi này, thực tế đã được đưa ra phỏng vấn các vị chủ tịch của các công hàng đầu. Và câu trả lời là “không” hoặc rất ngần ngại không trả lời. Điều này đúng thôi, khi gia nhập vào một công ty khá lớn với 30.000 - 50.000 người, bạn dù là ai, thì cũng sẽ chẳng là ai cả. Trong một công ty 30.000 người, bạn quá nhỏ bé và công ty quá phức tạp để bạn có thể vươn lên tới vị trí Chủ tịch tập đoàn như hiện nay. Vậy tốt nhất, nếu bạn có tài năng và khát vọng, bạn nên tìm một mảnh đất của riêng mình và định nghĩa lại thế giới theo cách của bạn.

Loại virus ăn mòn “tinh thần người sáng lập” của công ty cũng giống như bệnh “già”, “thoái hóa” và rất khó có thể cưỡng lại vòng “sinh, lão, bệnh, tử” của tự nhiên. Theo thống kê thì chỉ 15% công ty có thể cưỡng lại quy luật này một thời gian, ví dụ 15 năm. Những công ty này đã liên tục tái khởi nghiệp, làm mới công ty để duy trì và phát huy được “tinh thần người sáng lập”.

Họ đã làm thế nào để tái khởi nghiệp? Đây là một bí mật mà chưa được giải mã để có tổng kết thành một bài học để áp dụng. Những kinh nghiệm và bài học ít ỏi từ các công ty tạm thời thành công trong một thời gian chưa đủ để tổng kết. Cũng như trong tự nhiên, chưa ai tìm được phương thuốc hữu hiệu để “trường sinh bất lão”. Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này cũng chưa thể chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về chủ đề này. Chủ đề này thường được trao đổi ở Viện Quản trị kinh doanh FSB của FPT. 

Nhiều công ty đã đặt mục tiêu giữ được “tinh thần người sáng lập” là mục tiêu sống còn. Ví dụ đối với Vingroup thì “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” là triết lý hoạt động của Tập đoàn. Có thể tập đoàn này hiểu rõ rằng nếu một ngày, tinh thần khởi nghiệp đã như ngọn đèn hết dầu, không thể mãi mãi lan tỏa từ những người khởi nghiệp ban đầu tới các cấp lãnh đạo, cán bộ trong công ty, thì cũng có nghĩa đó là ngày tận thế của công ty.

Có rất nhiều cách thức khởi nghiệp, tái khởi nghiệp khác nhau đã được thực hiện, tùy thuộc vào sự nhận thức, sáng tạo và quyết tâm của mỗi công ty. Tuy nhiên, các giải pháp đều xoay quanh làm thế nào để phát huy được tính “tiên phong, máu lửa”; sự “ám ảnh phục vụ khách hàng” và “tư duy như người chủ” trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ của công ty. Đây là yếu tố mấu chốt để thực hiện khởi nghiệp và tái khởi nghiệp trong công ty nếu muốn duy trì tăng trưởng cao trong quá trình đào thải khắc nghiệt của cạnh tranh tự nhiên.   

Chuyên đề