Khơi động lực để Đông Nam Bộ vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc gia. Với mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, khu vực này luôn đi đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu và mức tiêu thụ nội địa. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Đông Nam Bộ vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định và đạt được các thành tựu đáng ghi nhận.
Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh đổi mới công nghiệp và công nghệ, đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, tự động hóa trong sản xuất. Ảnh: Song Lê
Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh đổi mới công nghiệp và công nghệ, đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, tự động hóa trong sản xuất. Ảnh: Song Lê

Kinh tế nhiều điểm sáng

Năm vừa qua, “đầu tàu” Đông Nam Bộ tiếp tục đạt mức tăng trưởng GRDP trung bình vượt kỳ vọng với 8,92%, điểm sáng là Bà Rịa - Vũng Tàu (11,72%). Các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, vượt 8%. Mặc dù tăng trưởng ở mức thấp nhất vùng, nhưng TP.HCM vẫn đạt mức 7,17%, dẫn đầu về quy mô kinh tế, đóng vai trò là động lực chính của khu vực. Mức tăng trưởng GRDP cho thấy sự khác biệt rõ nét giữa các tỉnh, thành có nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ phát triển (TP.HCM, Bình Dương) với tỉnh dựa nhiều vào khai khoáng và xuất khẩu dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Điểm sáng đáng chú ý là xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, tìm lại sự cân bằng, duy trì thế mạnh thương mại sau đại dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 120 tỷ USD, trong đó, TP.HCM ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2023; Bình Dương 34,5 tỷ USD, tăng 13%; Đồng Nai 23,4 tỷ USD, tăng 8,5%... Kim ngạch nhập khẩu khoảng 115 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở TP.HCM (58,6 tỷ USD). Cán cân thương mại thặng dư minh chứng cho năng lực xuất khẩu vượt trội.

Dấu hiệu tốt của thị trường nội địa tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho kinh tế vùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.462.160,8 tỷ đồng, thể hiện sức mua lớn và sự phát triển mạnh của ngành thương mại, dịch vụ, đặc biệt tại TP.HCM (567.982 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023), Bình Dương (351.640 tỷ đồng) và Đồng Nai (270.900 tỷ đồng).

Tăng trưởng cao giúp nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách toàn vùng ước đạt 751.652 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM chiếm tỷ trọng áp đảo (508.500 tỷ đồng), khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế; Bà Rịa - Vũng Tàu thu ngân sách 96.164 tỷ đồng, Bình Dương 71.234 tỷ đồng...

Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế Đông Nam Bộ là thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2024, khu vực này tiếp tục đi đầu về thu hút FDI nhờ hạ tầng hiện đại, chính sách cởi mở và tiềm năng kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự phân hóa rõ nét về hiệu quả và quy mô đầu tư giữa các tỉnh, thành trong vùng. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục dẫn đầu nhờ nền tảng hạ tầng giao thông, công nghiệp tốt, môi trường đầu tư thuận lợi và chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Cụ thể, TP.HCM thu hút lượng lớn vốn FDI, ước đạt 4,85 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Bình Dương thu hút khoảng 1,267 tỷ USD vốn FDI, chiếm 75,6% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh nhờ quy hoạch khu công nghiệp hiện đại, tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp xanh và tuần hoàn, chính sách di dời cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào khu công nghiệp. Đồng Nai thu hút được khoảng 735,33 triệu USD vốn FDI mới, tăng 31,3% so với năm trước với ưu thế hệ sinh thái công nghiệp đa dạng; giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%. Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút mới và điều chỉnh vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,013 tỷ USD, gấp 2,1 lần năm trước.

Khơi động lực để “vươn mình”

Dù là khu vực phát triển kinh tế hàng đầu, nhưng theo đánh giá tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tháng 12/2024, vùng còn nhiều điểm hạn chế. Đơn cử, tăng trưởng GRDP bình quân có xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước, cần sớm đánh giá nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời để phát huy sứ mệnh là một vùng động lực, một cực tăng trưởng của cả nước.

Vùng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng, ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tiềm năng, lợi thế còn nhiều nhưng chưa khai thác hết. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối giữa các địa phương với hạt nhân TP.HCM chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ yêu cầu, chậm tháo gỡ vướng mắc.

Công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột quan trọng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bố chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI. Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn, chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistics đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa.

Tại một hội thảo khoa học ở TP.HCM mới đây, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, vấn đề liên kết vùng rất quan trọng. Hiện tại, sợi dây liên kết vùng Đông Nam Bộ còn hình thức. Để Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, khẳng định vị trí đầu tàu, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 24/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt cần đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách hoạt động đặc biệt đảm bảo vùng Đông Nam Bộ phát triển thuận lợi; tập trung xây dựng quy hoạch phát triển vùng bao gồm các cụm hành lang phát triển và cụm đô thị kết nối với nhau.

Một số nhà khoa học cho rằng, để Đông Nam Bộ “vươn mình” cần một số giải pháp đột phá. Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết vùng, cần đẩy mạnh đổi mới công nghiệp và công nghệ, đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, tự động hóa trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các chương trình đổi mới sáng tạo. Trong thu hút đầu tư, cần đẩy mạnh kết nối các khu công nghiệp và trung tâm logistics của TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Phát triển hạ tầng xanh, tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghiệp tuần hoàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời đơn giản hóa thủ tục đầu tư, giảm thời gian xử lý hồ sơ. Đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư.

Một số doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai có chung ý kiến, để tối ưu hóa tiềm năng, vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục thúc đẩy liên kết vùng, cải thiện năng suất lao động và phát triển cân đối giữa các địa phương. Với những điều kiện thuận lợi sẵn có, Đông Nam Bộ có thể tiếp tục dẫn đầu cả nước, phát triển bền vững và vươn lên tầm cao mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư