Khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào ngày 1/1/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại buổi họp báo chiều ngày 28/12/2022, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt trên 70% và đã đáp ứng đủ điều kiện để Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt vào sáng ngày 1/1/2023.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Bộ GTVT cho biết, Lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần sẽ diễn ra tại 9 tỉnh. Trong đó, 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Riêng điểm cầu trung tâm tại tỉnh Quảng Ngãi (Lễ khởi công Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) dự kiến sẽ có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

9 điểm cầu dành cho 9 gói thầu/9 dự án thành phần còn lại sẽ diễn ra tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm). Các điểm cầu tổ chức Lễ khởi công sẽ được kết nối trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi.

Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là sự kiện lớn không chỉ của ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí thi đua lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT ngay trong ngày đầu tiên của năm 2023.

Sự kiện này cũng thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân nhằm phấn đấu thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc; trong đó, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần là 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… phải tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc để triển khai thi công đồng loạt các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Các địa phương cần tích cực triển khai giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.

Trả lời câu hỏi của báo chí về các giải pháp của Bộ GTVT để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT cam kết sẽ đồng hành với các nhà thầu, cùng với các địa phương nỗ lực giải phóng phần mặt bằng còn lại để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cho nhà thầu thi công...

Chuyên đề