Khó khăn hằn sâu trong bức tranh doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngoài số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, nhiều công ty đã bị chủ nợ gửi đơn đến tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản hay bị ngân hàng rao bán nợ.
Doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản tăng cao. Ảnh minh họa: Bảo Tín
Doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản tăng cao. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Chẳng ai mong muốn

Ngày 24/7/2023, theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3, có trụ sở ở tỉnh Quảng Ngãi, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Nguyên nhân do Đức Long Gia Lai vướng một khoản nợ khoảng 20 tỷ đồng của Lilama 45.3, nhưng suốt thời gian qua chưa thu xếp được tài chính để thanh toán dứt điểm.

Trước đó, Đức Long Gia Lai đã làm việc với Lilama 45.3 để đưa ra lộ trình trả nợ nhưng Lilama 45.3 chưa đồng ý. Đức Long Gia Lai khẳng định, khoản nợ trên nằm trong khả năng thanh toán của Công ty, nhưng vì đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể trả hết một lần. Câu chuyện hiện vẫn chưa đi đến hồi kết vì chưa có phán quyết của tòa án, nhưng quan hệ đối tác dường như đã rạn nứt.

Ngoài món nợ giữa các doanh nghiệp với nhau, những khoản nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng thị phi không kém. Khi thị trường bất động sản sôi động, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản rất hữu hảo, nhưng khi thị trường đóng băng, nhiều doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng lại “đối đầu” nhau. Hàng loạt khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng của các dự án bất động sản bị ngân hàng rao bán gần đây là một minh chứng.

Đầu tháng 8 năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã rao bán khoản nợ có giá khởi điểm hơn 1.100 tỷ đồng của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Theo đó, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 3.860 m2 thuộc Khu B Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là tài sản đảm bảo cho khoản nợ này.

Trước đó, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3 - 4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng tại các thành phố du lịch khác như Nha Trang, Đà Nẵng...

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản cho biết, chẳng ai mong muốn dìu nhau ra tòa hoặc những khoản vay của mình biến thành nợ xấu của ngân hàng, nhưng trong bối cảnh tài chính khó khăn, vốn vay ngân hàng tiếp cận không còn dễ như trước nên phải đành chịu. Động thái đệ đơn ra tòa án đòi mở thủ tục phá sản giữa các đối tác, hay rao bán khoản nợ để thu hồi vốn của các ngân hàng cho thấy, đó không còn là sự “hù dọa” nhau mà là sự bất lực giữa các bên khi không còn tìm được đàm phán trong ôn hòa.

Luật sự Trần Khánh Ly, Công ty Luật GLAWS cho biết, theo Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản tăng cao

Theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố hồi tháng 8, trong quý II/2023, lĩnh vực bất động sản vẫn có xu hướng giải thể doanh nghiệp gia tăng. Cụ thể, số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, nếu tình hình khó khăn trên thị trường vẫn tiếp diễn, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023; nếu khó khăn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác. Ảnh: Bảo Tín

Cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác. Ảnh: Bảo Tín

Trong bối cảnh u ám ấy, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tháng 9 còn được xem là cao điểm đáo hạn, với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Hiện danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, dòng tiền từ các kênh này đều đang trục trặc.

Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi..., nhưng doanh nghiệp và ngân hàng thương mại vẫn "khó gặp nhau". Bởi các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.

Đứng trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị phân lĩnh vực bất động sản thành 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính để xử lý, gồm: nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý; nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện; nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn.

Về phần mình, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung việc tiếp thu, giải trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Song song đó, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, tiếp tục làm việc với một số địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ trong thời gian tới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận, để doanh nghiệp bất động sản có thể cũng như hấp thụ các nguồn vốn mới, thì các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để.

Đặc biệt, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Chuyên đề