Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, có nguy cơ bị phá sản.
Do chưa bán được sản phẩm dẫn đến thiếu dòng tiền, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể bị “chết” trên tài sản của chính mình. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Do chưa bán được sản phẩm dẫn đến thiếu dòng tiền, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể bị “chết” trên tài sản của chính mình. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Cần “ô-xy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp

Khó khăn đầu tiên phải nói đến trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản là thiếu dòng tiền. Bởi lẽ, nếu không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để “cầm cự” qua giai đoạn quá khó khăn này thì doanh nghiệp chỉ có phá sản.

Trong khi đó, thực tế qua 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội ở TP.HCM cho thấy, các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, không thể huy động được vốn như trước đây.

Một chuyên gia tài chính phân tích, việc thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến khó khăn về tín dụng, trong khi lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng “tự động” chuyển sang “nợ xấu”, hoặc nhóm “nợ xấu hơn”, mà đã bị xếp loại “nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn” thì doanh nghiệp sẽ lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

“Mỗi ngày qua đi, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải 'vay nóng' để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn”, một doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết.

Điều đáng nói ở đây là do chưa bán được sản phẩm dẫn đến thiếu dòng tiền, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể bị “chết” trên tài sản của chính mình.

“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi các doanh nghiệp bất động sản hiện nay phải đương đầu. Tài sản mặc dù có thể vẫn còn đó nhưng do chưa bán được thì lấy tiền đâu để xoay sở”, đại diện HoREA lên tiếng.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc được tiếp cận tín dụng trong lúc này chính là “ô-xy cấp cứu" cho doanh nghiệp. Trước hết, doanh nghiệp rất cần được giảm lãi vay; gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ “xấu”, hoặc nhóm nợ “xấu hơn” và tạo điều kiện được tiếp cận khoản vay tín dụng mới.

Doanh nghiệp “sống" được thì ngân hàng mới “sống khỏe” được

Về phía ngân hàng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ, các doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu với những cái khó riêng của các ngân hàng thương mại vì họ cũng là doanh nghiệp, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, nên ngân hàng và doanh nghiệp cần cùng nhau giải quyết hài hoà lợi ích của các bên.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Trong gần hai năm qua, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho khoảng gần 800.000 khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Mới đây, 16 ngân hàng thương mại đã tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, với số lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

Riêng 4 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank còn cam kết giảm thêm 1.000 tỷ đồng tiền lãi của mỗi ngân hàng để giảm lãi vay cho các khách hàng với mức giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5% tuỳ từng trường hợp, đồng thời có ngân hàng đưa mức lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống còn 7%/năm.

Liên quan đến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021).

Đặc biệt, xem xét cho khách hàng được vay vốn mới nhằm hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, số liệu công bố lợi nhuận “khủng” của không ít ngân hàng thương mại trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 nhìn khá “phản cảm”, tương phản với bức tranh chung của nền kinh tế, bởi có quá nhiều doanh nghiệp và người dân đang phải chật vật đối phó với vô vàn khó khăn.

Chuyên đề