Khó khăn bủa vây DN ngành nhôm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, bên cạnh những khó khăn chung của thị trường do sức cầu còn yếu, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành nhôm còn phải đối mặt với những khó khăn đặc thù, rất cần thêm giải pháp chính sách để đứng vững.
Nhôm Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và nghi ngờ xuất xứ Trung Quốc nên bị đánh thuế rất cao. Ảnh: Tường Lâm
Nhôm Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và nghi ngờ xuất xứ Trung Quốc nên bị đánh thuế rất cao. Ảnh: Tường Lâm

Những khó khăn hiện hữu

Về nguyên liệu, đến nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu 100%. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu sản xuất nhôm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá… Ông Kế cho biết, việc Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia cung cấp nhôm lớn nhất thế giới bị áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đã ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn nguyên liệu, thậm chí gây “đứt gãy” nguồn cung, tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này của các DN trong nước.

Thị trường tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Theo ông Kế, thời gian qua, kinh tế toàn cầu cũng như trong nước chưa phục hồi tăng trưởng, khiến nhu cầu nhôm công nghiệp trong nước suy giảm. Đến thời điểm này, dù có một số tín hiệu tích cực, nhưng tình hình tiêu thụ vẫn chưa hết khó. Khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành nhôm vẫn rất thách thức. “Nhiều DN duy trì định mức sản xuất thấp hơn công suất thiết kế. Nhiều DN buộc cắt giảm việc làm cũng như thu nhập của người lao động, có những DN phải cắt giảm 30% lao động, thậm chí một số DN đã phải tạm ngừng sản xuất”, ông Kế thông tin.

Đối với thị trường xuất khẩu (XK), các sản phẩm nhôm của nước ta thường xuyên bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (PVTM) do nghi ngờ về xuất xứ có nguồn gốc Trung Quốc. “Hiện nhôm Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và nghi ngờ xuất xứ Trung Quốc, nên bị đánh thuế rất cao. Số lượng đơn hàng sang thị trường Hoa Kỳ suy giảm mạnh”, Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam lo lắng. Theo thống kê, tổng công suất thiết kế toàn ngành nhôm Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm, trong đó, công suất của nhôm định hình là 800.000 tấn/năm, nhưng thực tế sản lượng của thông thường của các nhà máy chỉ đạt 45% công suất thiết kế.

Thông tin với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 mới đây, ông Lã Quý Duẩn, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi cho biết, do khó khăn về thị trường (các dự án bất động sản tạm dừng hoặc phải giãn, hoãn tiến độ… khiến nhu cầu sản phẩm nhôm thanh, nhôm kinh giảm sâu), nên tổng doanh thu thực hiện của Công ty năm 2023 chỉ đạt 94% kế hoạch, nhưng lợi nhuận sau thuế được phân phối vẫn đạt 100% kế hoạch (102 tỷ đồng). Năm 2024, do khó khăn từ môi trường khách quan rất khó đoán định, nên Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 77 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng (tương ứng 75%) so với thực hiện năm 2023.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi thì cho rằng, năm 2024, thị trường tiêu thụ là bài toán khó nhất đối với các DN ngành nhôm. Phần lớn nguyên liệu đầu vào của Công ty đều phải nhập khẩu, trong khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Làm cách nào để đứng vững trong bối cảnh hiện nay là câu hỏi chung của các DN trong ngành.

Tháo gỡ thế nào?

Từ thực tế khó khăn của DN ngành nhôm trong nước, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đề xuất, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế VAT cho hàng hóa, sản phẩm, trong đó có nhôm tới tháng 6/2025. Cùng với đó, cơ quan chức năng có biện pháp giám sát nhập khẩu, chống gian lận thương mại với mặt hàng nhôm.

Trong công tác thu hút đầu tư của các địa phương, ông Kế đề xuất cần xem xét cẩn trọng hơn đối với các dự án sản xuất nhôm của khối DN đầu tư nước ngoài, kể cả những dự án mua bán, chuyển nhượng, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Chỉ nên cho phép đầu tư những dự án có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao hoặc những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được.

Đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, đại diện Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phổ biến, cập nhật các quy định mới về PVTM để hỗ trợ DN XK. Về phía các DN, Bộ Công thương khuyến nghị DN hướng theo chuẩn mực kinh doanh minh bạch, liêm chính, hướng tới phát triển bền vững.

Tại Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ và dự kiến tác động đến Việt Nam đang được Bộ Công Thương gửi các đơn vị lấy ý kiến cho biết, kể từ ngày 24/4/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo áp dụng quy định mới về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cho rằng, sự phức tạp và nghiêm ngặt ngày càng tăng trong các quy định của Hoa Kỳ với các quốc gia XK, trong đó có Việt Nam, buộc các DN phải thay đổi để thích ứng. “Các DN có thể cần thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ứng và sản xuất để tuân thủ các tiêu chuẩn chống bán phá giá và chống trợ cấp khắt khe”, Bộ khuyến nghị.

Chuyên đề