Chưa khi nào cơ hội cho kinh tế tư nhân thành “động lực quan trọng của nền kinh tế” lại lớn lao hơn lúc này |
Dòng máu không đông cứng
Từ tháng 6/2016, khi Chính phủ bắt đầu “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh, thì cũng chính là lúc những thương nhân chưa một lần đứng trước hội nghị nêu ý kiến về chính sách, cũng bắt đầu cuộc chiến của mình với Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Trong một hội thảo về rà soát điều kiện kinh doanh, những thương nhân này vẫn “ấp a ấp úng”, thậm chí là lúng túng khi trình bày những lập luận của mình. Vì từ trước tới nay, họ chỉ quen với các hợp đồng, các dòng xe hay các “biện pháp” để nhập xe về Việt Nam nhanh nhất.
Trong số 200 thương nhân kinh doanh ô tô ra đời từ thời trước, thì đến năm 2016 cũng chỉ còn có vài chục là trụ lại được. Rồi nước mắt những người còn lại đã phải rơi cả trước ống kính truyền hình khi có thương nhân chỉ vì Thông tư 20/2011/TT-BCT mà 8 triệu USD kẹt lại tại nước ngoài.
Họ chẳng bao giờ lý giải được rằng: tại sao họ hăng say nhập xe ô tô về như biện pháp “nhập khẩu song song” mà nhiều nước tiên tiến áp dụng nhằm chống lại sự độc quyền của các hãng xe lớn, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà cuối cùng họ bị “hạn chế”! Họ chẳng bao giờ tưởng tượng ra rằng: đến một ngày họ phải đứng trước các chuyên gia, quan chức để… nghẹn ngào nói về nguy cơ phá sản.
Tôi hỏi họ: “Sao các anh không nghỉ ngơi một thời gian?”. Họ trả lời rằng: thật tình, với tài sản của mình, họ có thể sống một đời sung túc, thậm chí đến vài thế hệ. Nhưng kinh doanh đã thành máu thịt. Họ không thể để “dòng máu ấy” đông cứng, nếu không muốn mình trở thành người vô dụng. Bởi khi nào họ còn kinh doanh thì tài sản của họ còn sinh sôi nảy nở, nhiều người còn có việc làm lo cho gia đình, và ngân khố quốc gia có thêm một nguồn thu nữa.
Đường đi không khó
Và cái máu kinh doanh ấy vẫn dẫn họ đi trên con đường gập ghềnh. Có người vẫn chọn trụ lại ngành ô tô, dù không còn thuận lợi hay “chính danh” như trước. Có người lại bước sang một “thế giới khác” và hiện vẫn đang tạo ra công ăn việc làm cho xã hội như họ đã nói với tôi lúc biết rằng đam mê ô tô không phải lúc nào cũng giúp họ làm nên cơ đồ.
Có lẽ, dòng máu kinh doanh ấy không hẳn đã tạo nên thành công cho tất cả mọi người Việt Nam bước vào thương trường. Bởi từ thời cận đại đến nay, những doanh nhân nổi tiếng và có ảnh hưởng như Bạch Thái Bưởi hay Trịnh Văn Bô không phải là phổ biến. Nhưng rõ ràng, dòng máu kinh doanh khiến cho người ta có thể vượt lên trên cả nghịch cảnh.
Thì cứ như TS. Võ Đại Lược, người từng là “ông cố vấn” cho nhiều đời Tổng Bí thư, Thủ tướng kể: Tết năm 1989, Tổng bí thư Đỗ Mười rất lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa. Bởi mỗi năm Nhà nước phải in 300 tỷ đồng để mua lúa gạo của nông dân rồi bán cho thành thị với giá như cho không. Những “ông cố vấn” đề xuất tự do buôn bán, đảm bảo Nhà nước không cần in 300 tỷ đồng. Ông Đỗ Mười, vẫn theo lời TS. Võ Đại Lược, lúc ấy vẫn không tin lắm vì “dạ dày của toàn dân mà Nhà nước không lo thì ai lo”?
Rồi TS. Võ Đại Lược và một số người đề xuất ngay Tết 1989 cho thí điểm tự do buôn bán tại Hà Nội, dân chúng xung quanh được phép mang hàng hóa vào Thủ đô để bán. Thế là giáp Tết 1989 ở Hà Nội hàng hóa ê hề. Các cô mậu dịch “ngồi chơi xơi nước”. Sau Tết, ông Đỗ Mười đã ra chỉ thị tự do hóa buôn bán trên toàn quốc.
Tự do, cạnh tranh và an toàn
Nói như thế để thấy rằng, chỉ một chút tự do năm 1989 thôi thì thị trường đã thay đổi, tư duy kinh tế từ cấp lãnh đạo cao nhất đã thay đổi.
Có lẽ, cũng chính thời điểm tự do hóa buôn bán năm ấy là xuất phát điểm cho một thời kỳ “tiền khởi nghĩa” trong kinh doanh. Để đến sau này, dần dà kinh tế cá thể, rồi đến kinh tế tư nhân không còn phải là điều xa lạ. Cá biệt, những Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp, rồi Luật Đầu tư đã trở thành những “hiến pháp” của kinh doanh. Không ngoa ngôn khi cho rằng: diện mạo kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng hiện nay có được nền tảng từ sự tự do mà các luật nói trên, vốn thể chế hóa quan điểm, đường lối kinh tế của Đảng, mang lại cho cộng đồng kinh doanh.
Hẳn nhiên, sự tự do kinh doanh ấy không phải lúc nào cũng được đảm bảo tốt. Dọc chiều dài lịch sử kinh doanh từ khi Đổi mới đến nay, giới doanh nhân cũng thăng trầm khi sự tự do có lúc bị hàng nghìn điều kiện kinh doanh bủa vây. Dẫu vậy, vẫn có một cuộc chiến dai dẳng mang tên “cắt giảm điều kiện kinh doanh” hơn 20 năm nay để bảo đảm sự tự do ấy.
“Cuộc chiến” mà Chính phủ đang tiến hành hiện nay, dù có những tác động to lớn, nhưng không khỏi làm các doanh nhân hay chuyên gia kinh tế nhớ lại thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi chỉ sau một đêm có tới hơn 50% giấy phép con bị bãi bỏ.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn, dưới áp lực của hội nhập, thể chế cho kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân cần được chú trọng hơn nữa. Bởi chưa khi nào cơ hội cho kinh tế tư nhân thành “động lực quan trọng của nền kinh tế” lại lớn lao hơn lúc này. Bởi vốn liếng và kinh nghiệm trong những thập kỷ đổi mới và hội nhập vừa qua đã là nền tảng vô giá cho nền kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân.
Trong bức tranh hội nhập ấy, phá sản doanh nghiệp không phải là nét đậm nhất, mà tiến bộ và phát triển do cạnh tranh mới là nổi bật. Điều ấy có thể thấy trong những lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin hay tài chính, những ngành mà Việt Nam đã có những “ông lớn” vươn ra biển cả. Hệ quả là cải cách thể chế từ bên trong, từ những việc cụ thể như cắt giảm điều kiện kinh doanh để hội nhập trong tâm thế tôn trọng tự do kinh doanh, cạnh tranh và bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp là điều cần thiết nhất lúc này.
Vươn tới tự do là một hành động dũng cảm. Tự do kinh doanh nếu được tôn trọng triệt để bằng thể chế bảo đảm cạnh tranh sẽ vẽ nên bức tranh thịnh vượng.