Súng Mosin-Nagant PU bắn trúng mục tiêu cách 600 m
Trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống phát xít Đức, Hồng quân Liên Xô triển khai lực lượng bắn tỉa quy mô lớn trang bị khẩu súng trường Mosin-Nagant PU gây nhiều thiệt hại cho quân Đức trên chiến trường, theo War Is Boring.
Lính Hồng quân trong Thế chiến II thường mang theo khẩu Mosin-Nagant M91/30 không có kính ngắm. Loại súng trường này dùng cơ chế bắn phát một, phải lên đạn sau mỗi phát đạn. Nó có thể nạp 5 viên đạn cỡ 7,62x54 mm, giống đạn của súng bắn tỉa Dragunov SVD và súng máy PKM ngày nay.
Đạn uy lực và cấu tạo đơn giản khiến Mosin-Nagant M91/30 có độ giật rất mạnh, nhưng nó lại là vũ khí có độ chính xác cao và đáng tin cậy. Một khẩu Mosin không kính ngắm có tầm bắn hiệu quả trên dưới 500 m, tùy thuộc vào kỹ năng người bắn. Xạ thủ tinh mắt và được huấn luyện bài bản có thể bắn trúng mục tiêu kích cỡ người thật ở khoảng cách xa hơn 500 m, nhưng việc này không dễ dàng.
Dựa trên mẫu súng này, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tích hợp kính ngắm cho súng Mosin-Nagant vào năm 1932, trước khi hoàn thiện biến thể bắn tỉa PU với kính ngắm có độ phóng đại 3,5 lần sau đó 10 năm. Một biến thể khác sử dụng kính ngắm độ phóng đại 4 lần có tên PEM cũng được chế tạo, nhưng không phổ biến.
Phiên bản bắn tỉa Mosin-Nagant PU có độ bền rất cao, dễ bảo dưỡng, đồng thời có thể sản xuất với số lượng lớn để có thể trang bị đại trà cho lực lượng bắn tỉa hùng hậu của Hồng quân Liên Xô.
Lính bắn tỉa Liên Xô tại Stalingrad. Ảnh:War Is Boring.
Năm 1942, khi Đức phát động tấn công vào thủ đô Moscow, Liên Xô đã có thể sản xuất tới 53.000 khẩu Mosin-Nagant PU mỗi năm.
Với khẩu súng Mosin-Nagant PU, lính bắn tỉa Hồng quân trở thành nỗi ám ảnh với phát xít Đức. Trong một trận phục kích tháng 9/1941, một nhóm bắn tỉa Liên Xô đã hạ 75 lính Đức thuộc Trung đoàn Bộ binh số 465 trước khi biến mất trong khu rừng.
Số lính bắn tỉa Hồng quân vượt trội hơn những gì người Đức đối mặt trong giai đoạn đầu cuộc chiến. "Thời gian đầu khi tấn công Pháp và Ba Lan, Đức hầu như không vấp phải sự kháng cự, một phần do lính bắn tỉa của các nước này được trang bị quá nghèo nàn, số lượng ít ỏi, không thể chặn đứng quân xâm lược dù chiến đấu rất dũng cảm. Quân Đức chỉ bắt đầu nếm trải sự nguy hiểm thực sự của lính bắn tỉa khi tấn công Liên Xô năm 1941", sử gia Martin Pegler nhận định.
Một khẩu Mosin-Nagant PU nguyên bản cùng đạn 7,62x54 mm. Ảnh:Photobucket.
Giống khẩu Mosin-Nagant tiêu chuẩn, phiên bản bắn tỉa PU trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khi Thế chiến II kết thúc. Ngày nay, một khẩu Mosin-Nagant PU hàng thật được các nhà sưu tầm lùng mua với giá hơn 1.000 USD trên thị trường.