Từ chỗ không có một tổng thầu nào, đến nay, Việt Nam có thể tự hào khi một số nhà thầu lớn đã trở thành đối thủ sừng sỏ của chính các “ông lớn” xây dựng nước ngoài. Ảnh: Tiên Giang |
Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC về câu chuyện uy tín của nhà thầu cũng như làm thế nào để tăng cường sự gắn kết giữa các nhà thầu, tạo ra sức mạnh chung của ngành xây dựng.
Uy tín của nhà thầu lớn cần được bảo vệ
Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của các nhà thầu xây dựng, ông có chia sẻ gì về vai trò của Hiệp hội trong hoạt động của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng?
VACC được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp chưa phong phú và đa dạng như hiện nay. Thời điểm đó, Hiệp hội chủ yếu trông cậy vào sự ủng hộ của một số DN nhà nước là các tổng công ty lớn, còn các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần hầu như không tham gia.
Đến nay, nhiều DN nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa rất nhanh. Sự chuyển hoá này trở thành vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới VACC. Phương thức hoạt động và vai trò của VACC cần được điều chỉnh với tiêu chí là Hiệp hội phải có tác dụng thiết thực đến DN hội viên. Đến nay, VACC đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhà thầu là DN tư nhân, công ty cổ phần trên cả nước. Phạm vi ảnh hưởng của VACC cũng ngày càng rộng hơn, mỗi tỉnh, thành đều có chi nhánh hoạt động hiệu quả.
Thị trường xây dựng Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh và cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng nhà thầu xây dựng trong nước. Từ chỗ không có một tổng thầu nào, phải thuê ngoại hoàn toàn, đến nay, chúng ta có thể tự hào khi một số nhà thầu lớn như Coteccons, Hòa Bình, Delta… đã trở thành đối thủ sừng sỏ của chính các “ông lớn” xây dựng nước ngoài. Minh chứng rõ nét nhất là việc nhà thầu Coteccons đã cạnh tranh đấu thầu với các nhà thầu quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc để thắng thầu xây dựng công trình Landmark 81 tầng ở TP.HCM.
Thời gian qua, VACC đã có ý kiến trực tiếp với nhiều cơ quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu, đặc biệt là những nhà thầu lớn, có uy tín. Đây có phải là một trong những nhiệm vụ của Hiệp hội?
Đây đúng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là nguyên tắc hoạt động hàng đầu của VACC. Ban đầu, hoạt động của VACC chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc của DN nhà nước về đấu thầu, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, tranh chấp trong đấu thầu và thực hiện hợp đồng… Hoạt động của VACC cũng hướng đến mục đích bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhà thầu và là sợi dây liên lạc chắp nối các nhà thầu với nhau trong lĩnh vực công nghệ mới, đào tạo ngành nghề cho cán bộ, công nhân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài các nhiệm vụ nêu trên, VACC đã bước đầu khẳng định vai trò của mình trong thực hiện cơ chế phản biện chính sách, hỗ trợ nhà thầu. Hiệp hội thường xuyên đóng góp ý kiến tới các cơ quan soạn thảo chính sách về đấu thầu, đất đai… để hoàn thiện khung chính sách.
Có thể nói, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, bằng nhiều kênh, thời gian qua, VACC đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhiều nhà thầu khi xảy ra các tranh chấp trong xây dựng. Điển hình là trường hợp của các nhà thầu Sông Đà 6, Thăng Long… trong quá trình thi công đã có một số vướng mắc, tranh chấp hợp đồng; hay sự việc Nhà thầu Coteccons tranh chấp với chủ đầu tư tại Dự án Vịnh Nha Trang.
Nhà thầu lớn cần đảm nhận đúng vai trò “đàn anh”
Ông đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Hiệp hội với sự lớn mạnh của cộng đồng nhà thầu xây dựng trong nước. Với tư cách người đứng đầu Hiệp hội, theo ông, làm thế nào để cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam thực sự phát triển bền vững, lan tỏa?
Năm 2017, VACC đã tổ chức khá nhiều hội thảo chuyên ngành về xây dựng. Đây chính là sân chơi để các “đàn anh” dìu dắt “đàn em”, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường mối liên kết. Là thành viên của VACC, các “đàn anh” như Coteccons, Hòa Bình, Delta, hay những nhà thầu quy mô tầm trung đang trên đà phát triển đều cam kết có trách nhiệm với Hiệp hội trao đổi nhiều kinh nghiệm trong quản lý với các nhà thầu là DN vừa và nhỏ.
Các nhà thầu là doanh nghiệp vừa và nhỏ là đội ngũ đông đảo nhất hiện nay của cộng đồng nhà thầu xây dựng, nhưng ít có dịp tiếp xúc với những hợp đồng lớn. Sự thiếu hụt về nguồn vốn, non kinh nghiệm trong quản lý, chưa chuyên điều hành dự án… đã kéo tụt khả năng cạnh tranh của các nhà thầu này. Quan điểm của chúng tôi là những nhà thầu lớn sẽ là người anh dắt tay người em vào thương trường.
Thế nhưng, chắc ông cũng biết rằng, cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng hiện nay rất khốc liệt. Làm thế nào để sự hợp tác giữa các nhà thầu hiệu quả?
Đúng là sự hợp tác trong các lĩnh vực hoạt động của nhà thầu xây dựng còn hạn chế. Nhà thầu lớn và nhà thầu bé rất khó để hợp tác, thậm chí nhà thầu lớn với nhà thầu lớn cũng chưa tìm được tiếng nói chung. Trong mục tiêu hoạt động nhiệm kỳ tới, VACC đang cố gắn kết các nhà thầu với nhau để tạo ra sức mạnh chung của ngành xây dựng.
Kể cả câu chuyện phát triển, lớn mạnh của các nhà thầu lớn hiện nay cũng xuất phát từ việc đảm nhận thầu phụ cho các “ông lớn” nước ngoài. Nếu các nhà thầu không chịu học hỏi, thay đổi tư duy trong quản lý và điều hành, không ứng dụng công nghệ tiên tiến thì mãi mãi chỉ làm thầu phụ cho nhà thầu quản lý. Do đó, tôi tin rằng, hơn ai hết các nhà thầu phải nhận thức rõ nhất việc tăng cường liên danh, liên kết trong đấu thầu, trong thi công sẽ là cơ hội để chuyển mình, phát triển. Do đó, VACC tự tin khi tạo ra cầu nối giữa các nhà thầu với nhau để cùng tạo lập một cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam ngày càng lớn mạnh.