Khát vọng phát triển xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến việc phát triển một cách hài hoà giữa các lĩnh vực theo xu hướng xanh và bền vững sẽ giúp tỉnh Quảng Ngãi tạo được đột phá trong phát triển kinh tế, từ đó hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn.
Công nghiệp lọc hoá dầu là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Nhã Chi
Công nghiệp lọc hoá dầu là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Nhã Chi

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng không gian kiến trúc quốc tế - Công ty CP Phát triển đô thị Angkora - Viện Nghiên cứu phát triển Mekong - Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM - Trung tâm Tư vấn thông tin và truyền thông thực hiện. Trong đó, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng không gian kiến trúc quốc tế đứng đầu Liên danh, với sự tham gia của các chuyên gia đa ngành về kinh tế, đô thị, môi trường, xã hội đến từ Cộng hòa Pháp.

Các kịch bản phát triển

Theo Liên danh tư vấn, dựa trên phân tích về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua, chú trọng những năm từ 2011 - 2019; các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; sự tác động của các yếu tố bên trong (môi trường, cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực của Tỉnh); khả năng tác động của các yếu tố bên ngoài (bối cảnh thế giới, bối cảnh trong nước) tới nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 kịch bản phát triển.

Trong đó, Phát triển theo hướng đa trung tâm (Kịch bản 1) được xây dựng theo hướng đa trung tâm, ổn định và cân đối dựa trên các điều kiện kinh tế hiện tại. Theo đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ là động lực cho sự phát triển của địa phương mình. Mỗi địa phương độc lập phát triển kinh tế dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhằm đạt được mục tiêu chính địa phương đó đặt ra.

Phát triển theo hướng công nghiệp hoá toàn diện (Kịch bản 2) được xây dựng với mục tiêu xác định công nghiệp sản xuất sẽ dẫn dắt sự phát triển của Tỉnh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, dựa trên lợi thế lớn của Khu kinh tế Dung Quất và hệ thống hạ tầng kết nối thuận lợi, Tỉnh tập trung tối đa nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển, mở rộng quy mô các ngành công nghiệp nền tảng (hoá dầu, luyện kim, đóng tàu...) và các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ (logistics, hậu cần cảng biển, sản phẩm sau thép, dầu…). Các ngành công nghiệp khác như chế biến nông, lâm, thủy sản; chế biến gỗ; dệt may, da giày; sản xuất thực phẩm, đồ uống… và nông nghiệp, dịch vụ vẫn được phát triển theo quan điểm tại các nghị quyết Đại hội Đảng và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Kịch bản 3 là Phát triển theo hướng hài hoà và bền vững dựa trên mục tiêu phát triển hài hoà giữa các lĩnh vực theo xu hướng xanh và bền vững trong tương lai. Theo kịch bản này, trong giai đoạn 2021 - 2030, các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như sản xuất dầu, thép, đóng tàu… vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của Tỉnh. Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng các khu vực kinh tế quan trọng và hỗ trợ thực hiện các dự án mở rộng quy mô lĩnh vực công nghiệp chủ lực. Thay vì tập trung phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng giai đoạn sau 2030, kịch bản này đề xuất các định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực để dần dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế phù hợp với xu thế phát triển bền vững cho các giai đoạn sau. Các lĩnh vực hướng tới phát triển là: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, hội thảo; dịch vụ logistics; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp áp dụng công nghệ cao…

Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Bình Định, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính, bao gồm: TP. Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và 11 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn. Dân số toàn Tỉnh khoảng 1,4 triệu người.

Lựa chọn kịch bản phát triển

Theo thuyết minh của Liên danh tư vấn, Kịch bản 3 được lựa chọn dựa trên tính khả thi, lợi thế cạnh tranh, sự phù hợp với các quan điểm và mục tiêu phát triển của Tỉnh. Trong đó, một số giả định chính cho kịch bản được lựa chọn như sau: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn thành dự án nâng cấp vào năm 2025 và bắt đầu kết nối sản xuất vào năm 2026; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiến hành bảo dưỡng định kỳ trong vòng 2 tháng trong các năm 2023, 2026 và 2029; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2024 và bắt đầu sản xuất năm 2025.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp “xanh”, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất, chế biến sâu nông sản theo hướng quy mô lớn tập trung; các dự án xây dựng, phát triển Lý Sơn được triển khai; thu hút đầu tư các dự án: Nước khoáng nóng Thạch Bích, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, các khu du lịch ven biển Mỹ Khê; đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ logistics, vận tải, kho bãi; thu hút đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện máy móc, các sản phẩm sau thép.

Từ kịch bản này, những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức, sắp xếp không gian phát triển của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch cũng được Liên danh tư vấn dự báo như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 4 - 5%/năm; công nghiệp bình quân đạt 8,25 - 9,25%/năm; khu vực dịch vụ bình quân 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 - 4.400 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD.

Để đạt được các mục tiêu theo Kịch bản, Liên danh tư vấn đề xuất nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch như: đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hoàn thiện xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới sắp xếp không gian phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Trong các nhiệm vụ trọng tâm trên, Quảng Ngãi cần thực hiện các khâu đột phá: nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các vùng động lực, các lĩnh vực tiềm năng, các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển, ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số; áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Đặc biệt, tổ chức 6 không gian phát triển vùng động lực dựa trên đặc điểm, thế mạnh sẵn có: vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ gồm TP. Quảng Ngãi và vùng phụ cận; vùng kinh tế công nghiệp phía Bắc: cụm kinh tế công nghiệp Dung Quất, dịch vụ Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo. Sáu không gian kinh tế chiến lược này được gắn kết bởi 4 hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh; Ba Vì (Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng; Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My (Quảng Nam); hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24: Sa Huỳnh - Thạch Trụ - Ba Tơ - Bờ Y.

Chuyên đề