Khát vọng nâng tầm đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà trong bức thư gần 200 chữ gửi các nhà công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945 - tức là chỉ hơn 1 tháng sau khi ra đời Nhà nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới công - thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn”, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã vươn tầm, cạnh tranh quốc tế với hoài bão đóng góp xây dựng đất nước hùng cường.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã vươn tầm, cạnh tranh quốc tế với hoài bão đóng góp xây dựng đất nước hùng cường.

Doanh nghiệp là đôi cánh để nền kinh tế bay lên

“Ích quốc lợi dân” - 4 chữ trong bức thư ấy của Bác Hồ sau gần 75 năm vẫn còn nguyên giá trị. Làm đúng 4 chữ như “kim chỉ nam” ấy, doanh nhân, doanh nghiệp Việt sẽ góp phần đưa đất nước đi lên.

Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp ở bất cứ quốc gia nào cũng chiếm vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Chẳng thế mà cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng đưa ra quan điểm: “Doanh nghiệp là “nồi cơm” của đất nước. Doanh nhân là những “con gà” đẻ trứng vàng”. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, Singapore đã xây dựng chiến lược phát triển độc đáo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp và các chính sách phải tạo được sự đột phá cho doanh nghiệp.

Còn ở Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Đất nước muốn phát triển thì cần có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh. Đến nay, Việt Nam đã có hàng triệu doanh nhân, điều hành hơn 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Con số ấy đã chứng minh việc mở lối cho doanh nghiệp phát triển là hướng đi đúng đắn. Nhiều doanh nhân đã lọt vào top “tỷ phú đô la” toàn cầu. Họ ôm giấc mơ lớn, hoài bão lớn là đóng góp xây dựng đất nước hùng cường, người dân giàu mạnh, xã hội văn minh.

Đây là lúc các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tập trung trí tuệ, công sức để biến giấc mơ và hoài bão lớn ấy thành hiện thực. Tất cả đều đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”. Có thể nói, doanh nghiệp là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam bay lên.

Quốc gia nào cũng vậy, để đi lên cần có những doanh nghiệp “đầu đàn” mạnh, đủ sức tạo ra chuỗi giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh, nhất là khả năng dẫn dắt. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 23/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng: “Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ các doanh nhân, các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh, những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả “đàn chim Việt” bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu”.

Quả thật, một đất nước có nhiều doanh nghiệp hùng mạnh thì đất nước ấy càng có nhiều cơ hội hóa rồng. Hiện chúng ta đã có các tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như Viettel, Vingroup, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH TrueMilk… Đó có thể xem là những “con sếu đầu đàn”.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Thực tế mới chỉ có những doanh nghiệp to về số lượng như tổng tài sản, vốn liếng, lao động, doanh thu, lợi nhuận… mà chưa có những doanh nghiệp lớn. Để được coi là “lớn”, là thực sự “trưởng thành”, doanh nghiệp phải tham gia “sân chơi” toàn cầu và có thương hiệu toàn cầu; phải đạt trình độ công nghệ ở mức độ cao, đặc biệt là ở cấp độ cải tiến và sáng tạo. Theo tiêu chí mới, sản phẩm của doanh nghiệp lớn phải đáp ứng các tiêu chuẩn: xanh, thông minh, nhân văn và là biểu tượng của người dùng. Như vậy, để được coi là lớn, doanh nghiệp phải “chơi thật”, phải đủ khát vọng và bản lĩnh, phải thật chuyên nghiệp và khôn khéo. Cuối cùng là phải cạnh tranh thật sự bằng sản phẩm, thành quả trong “sân chơi” toàn cầu. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trọng trách nâng tầm đất nước

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt phát triển có tính lịch sử với khát vọng nhanh chóng bắt kịp và tiến cùng thời đại. Trong chiến lược phát triển được nêu tại Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Đây là lúc các doanh nhân, doanh nghiệp tập trung trí tuệ, công sức để biến hoài bão lớn xây dựng đất nước hùng cường thành hiện thực. Tất cả đều đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”. Có thể nói, doanh nghiệp là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam bay lên.

Ý chí và khát vọng vươn lên của Việt Nam càng được hun đúc, nhân lên gấp bội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và kỷ nguyên số đang làm thay đổi sâu sắc mọi góc cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, tạo ra sự chuyển đổi thật sự có tính cách mạng.

Trong bối cảnh ấy, để tạo bước ngoặt thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, quốc gia nào cũng rất cần bản lĩnh và sáng tạo. Việt Nam - một dân tộc tràn đầy sức sống với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước - không thiếu bản lĩnh và sáng tạo trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hôm nay.

Tuy nhiên, phải thấy rõ điểm xuất phát của nước ta trong lĩnh vực này còn thấp so với nhiều nước. Theo “Chỉ số sáng tạo toàn cầu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia, nhưng cũng chỉ xếp hạng 42/129 quốc gia. Điều đáng nói, với “Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam đứng thứ 67/140 nền kinh tế được khảo sát (tăng 10 bậc so với năm 2018). Trong đó, hai chỉ số về sự năng động kinh doanh và năng lực sáng tạo xếp hạng thấp hơn nhiều, tương ứng 89 (từ 101) và 76 (từ 82). Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp nhất, ngưỡng “quốc gia sơ khởi” trong sẵn sàng đối với CMCN 4.0, xét trong 4 thứ hạng là: dẫn đầu (leading); có tiềm năng cao (high-potential); kế thừa (legacy); sơ khởi (nascent). Rõ ràng, còn xa Việt Nam mới có thể hài lòng về việc phát huy và nâng cao năng lực sáng tạo của mình.

Chính điều này đang đặt trên vai các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam - lực lượng xung kích trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế - một trọng trách lớn lao để nâng tầm đất nước.

Gánh vác trọng trách đó, các doanh nghiệp Việt Nam không đơn độc mà luôn có sự đồng hành của Chính phủ và các cấp chính quyền. Sự quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước luôn cùng chung nhịp thở với doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 23/12/2019: “Chúng ta cần ý thức rằng, để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp, mà là của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng vào năm 2045”.

Hơn lúc nào hết, trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 này, viễn cảnh “thịnh vượng và hùng cường” khi đất nước tròn 100 năm thành lập đang hối thúc chúng ta, trong đó có các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, vươn tới!

Chuyên đề