Khánh Hòa là một trong những địa phương bị đe dọa vì biển xâm thực. Ảnh: Lê Tiên |
Địa phương này cho rằng, dự án có tính cấp bách, phải xây dựng kè biển để ngăn chặn sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Dự án có tính cấp bách
Theo Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 và Quyết định số 4046/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa thì Dự án Kè bờ biển thị trấn Vạn Giã (giai đoạn 1) do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư.
Dự án có nội dung đầu tư là xây dựng tuyến kè biển dài 1.162 m (điểm đầu cách bến đò Vạn Giã về phía Bắc khoảng 656 m, điểm cuối giáp cầu Trần Hưng Đạo). Tổng mức đầu tư là 100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 84 tỷ đồng. Được biết, Dự án đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công và dự toán. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự kiến Dự án chỉ gồm 1 gói thầu xây lắp trị giá khoảng 87 tỷ đồng và 1 gói thầu tư vấn giám sát trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong khu vực Dự án có 52 hộ gia đình. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2016, toàn bộ các hộ ở khu vực này đều bị ảnh hưởng lớn do sóng biển, đất sạt lở, nhà sập; hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dự án, đường Trần Hưng Đạo và 16 ha đất dự án có nguy cơ bị nước biển cuốn mất. Do đó, phải di dời toàn bộ dân cư và khu vực dự án sau này sẽ sử dụng cho nhu cầu hoạt động cộng đồng của thị trấn theo quy hoạch (khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và các dịch vụ).
Đến nay, Dự án đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng, có thể triển khai thi công ngay được. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khi triển khai áp dụng Luật Đấu thầu, cả hai hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế đều không phù hợp yêu cầu có tính cấp bách của Dự án hoặc không đáp ứng được yêu cầu thực tế của Dự án.
Đáng chú ý, đối với hình thức chỉ định thầu, địa phương này cho rằng không phù hợp. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu thì “gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề” thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sóng biển xâm thực hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản 52 hộ dân sinh sống bên bờ biển đã vài năm qua. Trước yêu cầu khẩn cấp, có tính cấp bách, để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017, UBND Tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực di dời 52 hộ dân đến vùng tái định cư khác để sinh sống nên đến nay, về cơ bản, không còn dân cư trong khu vực dự án nên không thể áp dụng chỉ định thầu theo Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu. Mà cụ thể là không còn phải “cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn”.
Xin áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương này là một trong 9 tỉnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp của biến đổi khí hậu do có vị trí tự nhiên sát biển Đông. Tình hình biến đổi khí hậu có chiều hướng ngày càng nặng hơn, nhiệt độ ngày càng tăng, khiến cho nước biển dâng, không khí nóng lên, hạn hán; lượng mưa cục bộ gây ra lũ quét, sạt lở bờ biển, sông suối, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành kinh tế và đời sống của người dân cũng như các hoạt động xã hội khác.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, trong mấy năm qua địa phương này đã đầu tư xây dựng các dự án nhằm hạn chế thấp nhất tác hại của biến đổi khí hậu, nhất là các dự án đê kè ven sông, ven biển.
Tại văn bản trình để xin “cơ chế đặc biệt” áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nhiệm vụ chính và cấp thiết trước mắt của Dự án là làm kè để bảo vệ 16 ha đất ven bờ biển, đường Trần Hưng Đạo và hệ thống hạ tầng khu vực là tài sản đất đai của Nhà nước, tài sản của cộng đồng dân cư.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Nếu không khẩn trương xây dựng dự án sớm thì chỉ cần một đợt mưa bão lớn, nước biển có thể xâm thực hết khu đất của Dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tuyến đường Trần Hưng Đạo, hậu quả sẽ khôn lường”.