Khẩn trương giải quyết tồn đọng trong thực hiện chính sách phòng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khuôn khổ Chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về chính sách phòng chống dịch Covid-19 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết này.
Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết cho phép chuyển tiếp thực hiện một số nội dung tại Nghị quyết 30/2021/QH15
Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết cho phép chuyển tiếp thực hiện một số nội dung tại Nghị quyết 30/2021/QH15

Sáng kiến lập pháp đặc biệt, cần cho phép chuyển tiếp thực hiện

Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết 30, hầu hết đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh.

“Đây là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, huy động được tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh”, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhận xét.

Nhấn mạnh tính kịp thời của Nghị quyết 30, theo chia sẻ của ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), thời điểm ra đời Nghị quyết là khi dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là biến chủng delta đã gây những hậu quả nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

“Trong giai đoạn cao điểm đó, Nghị quyết 30 ra đời là một sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời huy động được nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch tại giai đoạn cao điểm”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói.

Mặc dù đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhiều chính sách chưa được thực hiện đầy đủ, Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, đánh giá Nghị quyết 30. Đa số ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết cho phép chuyển tiếp một số nội dung tại Nghị quyết 30, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.

Nếu được Quốc hội cho phép chuyển tiếp, ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện.

Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn để nâng các nội dung quy định tại Nghị quyết 30 lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra trong tương lai.

Sớm giải quyết những tồn đọng về chế độ, chính sách

Đối với thanh toán chi phí phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương khó khăn về nguồn lực chi trả, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục, bảo đảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid-19.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, các thủ tục thanh toán chi phí phòng chống dịch cho các cơ sở y tế và chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 phải đơn giản, rút gọn.

Về tình trạng chậm thanh toán chi phí phòng chống dịch, theo đề nghị của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Tại cuộc thảo luận ở tổ của Đoàn ĐBQH TP.HCM, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý thủ tục thanh toán. Thực tế, khi phân tích trên một người bệnh, không dễ để bóc tách viện phí, cái nào thanh toán theo bảo hiểm y tế (BHYT), cái nào ngân sách nhà nước chi trả; chi phí nào điều trị Covid-19, chi phí nào điều trị bệnh nền, mãn tính. Muốn thanh toán BHYT thì phải có hình ảnh và thẻ BHYT của bệnh nhân, tuy nhiên trong cao điểm dịch bệnh, tất cả đều bị quá tải, bệnh nhân di chuyển qua nhiều tầng, nhiều lớp hoặc bị biến dạng gương mặt do bệnh lý nên không nhận diện được, người nhà không được đi theo để bổ sung thẻ BHYT…

Giải trình với ĐBQH về việc chưa hoàn thành thanh toán chi phí phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, đây là lần đầu tiên có một đại dịch như thế này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Đối với việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Cụ thể, theo ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), hiện chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị tạm ứng trước hàng hóa và hoàn tiền cho doanh nghiệp để phục vụ tình huống cấp bách cho việc cứu người; cũng như xử lý tình trạng dư thừa hàng hóa sau khi dịch đã được kiểm soát.

Về việc tồn đọng hồ sơ giải quyết gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, ĐBQH Khang Thị Mào cho rằng, lý do lớn nhất là cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực, năng lực để thực hiện. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm khắc phục tình trạng này trong năm 2023, bao gồm cả việc sửa đổi Luật Dược cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Tại phiên thảo luận, đại diện Cơ quan soạn thảo cam kết sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến để rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân của những vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề tồn đọng về chế độ, chính sách.

Chuyên đề