Khả thi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2024 ước đạt 7,4% và 9 tháng năm 2024 ước đạt 6,81%, cao hơn kỳ vọng sau ảnh hưởng bão lũ. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024

Công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng ấn tượng

Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III/2024. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2024 tăng 7,4%. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 6,81%.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, quý III/2024, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,58%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn các năm còn lại của giai đoạn 2020 - 2023. Trong đó, nông nghiệp tăng thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2020 đến nay và các quý đầu năm 2024 (đạt 2,03%) do nhiều diện tích trồng lúa mùa sắp cho thu hoạch, đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng nề do bão số 3.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất nông nghiệp vẫn diễn biến tốt, lâm nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, đạt 4,32% nhờ hoạt động trồng rừng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, mức tăng trưởng đạt 3,89%.

Khu vực công nghiệp quý III tăng 9,59%, mức tăng cao nhất trong 3 quý kể từ đầu năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng của khu vực này phải kể đến ngành chế biến chế tạo với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng quý III cao nhất kể từ năm 2020. Có được mức tăng này một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm, mặt khác đây là con số được tính trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023.

Ngành xây dựng trong quý III có xu hướng tăng chậm lại do bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại 26 tỉnh, thành phía Bắc và cơn bão số 4 tại các tỉnh miền Trung trong tháng 9/2024 khiến hoạt động xây dựng bị gián đoạn, nhiều công trình đang thi công dở dang trên các địa bàn bão đi qua bị hư hại nặng nề. Ngành xây dựng tăng trưởng 7,09% trong quý III, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và 2023 (18,7% và 8,0%). Tính chung 9 tháng, ngành xây dựng tăng trưởng 7,48%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (tăng hơn 6%), nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2022 (tăng hơn 10%).

Hoạt động dịch vụ tiếp tục có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số ngành có tăng trưởng tốt trong quý III gồm: vận tải kho bãi (tăng 10,93%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (tăng 10,17%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 8,75%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (tăng 7,97%). Ngoài một số ngành dịch vụ chịu tác động trực tiếp của bão số 3 đầu tháng 9 như dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí thì các ngành dịch vụ khác vẫn hoạt động ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hương khẳng định, trong quý III và 9 tháng năm 2024 nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường, nhưng lại được bù đắp bởi mức tăng ấn tượng của ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ổn định, tạo đà phát triển cho quý IV và cả năm.

Trong quý III, tăng trưởng kinh tế đạt tăng trưởng 7,4%, phù hợp với mức cận trên của kịch bản phấn đấu theo Nghị quyết của Chính phủ là 6,5 - 7%.

Khả thi mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Thứ hai, thiên tai, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường trực. Thứ ba, một số ngành kinh tế trọng điểm vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và ảnh hưởng của thiên tai. Thứ tư, áp lực lạm phát vẫn còn, cần được kiểm soát chặt chẽ. Thứ năm, năng lực cạnh tranh của một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cần sự nỗ lực chung của toàn xã hội, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp trọng tâm, được xem như những trụ cột vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng. Cần duy trì sự ổn định về tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, việc theo dõi sát sao diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, thực hiện các biện pháp bình ổn giá là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần tránh điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý trong thời điểm người dân đang khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Khu vực tiêu dùng trong nước đóng vai trò hết sức quan trọng, do vậy cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, tăng cường quảng bá và tiêu thụ hàng Việt Nam.

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chủ lực, cần khai thác tối đa thị trường thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đa dạng hóa thị trường. Về đầu tư, cần tăng cường hơn nữa đầu tư công và thu hút FDI chất lượng cao.

Cùng với đó, cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời. Đặc biệt, cần có phương án cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

Yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công của các giải pháp trên là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, trong đó phát huy vai trò người đứng đầu, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư