“Kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh quan điểm này khi làm rõ vấn đề điện năng trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 9/11 về vấn đề kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên những dự án điện gió dở dang sẽ được xem xét giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp trong chính sách được ban hành tới đây (ảnh: Internet)
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên những dự án điện gió dở dang sẽ được xem xét giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp trong chính sách được ban hành tới đây (ảnh: Internet)

Cụ thể, về đề xuất gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương có dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, theo ông Diên, giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.

“Do vậy, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý”, ông Diên nhấn mạnh.

Theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, có 3 lý do chính để không kéo dài thời gian hưởng giá FIT. Thứ nhất là không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ. Hai là hiện giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các đối tượng sử dụng điện. Ngoài ra, trong quá trình lấy ý kiến về nội dung trên, Bộ Công Thương không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.

Cũng theo ông Diên, hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện. Các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Theo đó, các dự án dở dang sẽ được xem xét giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Quyết định nêu trên. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng Khung giá cho điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới.

Chuyên đề