IMF tăng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lên mức 7% năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố đánh giá về kinh tế Việt Nam với nhận định triển vọng tăng trưởng tích cực cùng với lạm phát khiêm tốn của Việt Nam đang đi ngược xu hướng suy giảm tăng trưởng và lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia châu Á.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo IMF, nửa đầu năm nay chứng kiến chuyển biến kinh tế tích cực của Việt Nam khi các hạn chế phòng chống dịch đã được nới lỏng cùng chiến lược sống chung với Covid-19 và thúc đẩy tiêm chủng rộng khắp. Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng khá cao và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và hồi phục các hoạt động du lịch và bán lẻ.

“Đó là căn cứ để chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7% trong năm nay, cao hơn 1% so với mức dự báo đưa ra 3 tháng trước. Việt Nam là nước duy nhất trong số các nền kinh tế châu Á được điều chỉnh dự báo tăng trưởng như vậy", các chuyên gia của IMF cho biết.

IMF giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6,7%, dù vậy mức tăng trưởng này vẫn đối lập với triển vọng mù mờ ở các nơi khác và có thể là mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế chủ lực ở châu Á. Trong khi đó, ước tính tăng trưởng cho khu vực châu Á được hạ xuống mức 4,2% và 4,6% lần lượt trong năm nay và năm sau, theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF.

Theo IMF, áp lực lạm phát của Việt Nam gần như chỉ hạn chế trong một số nhóm hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ có liên quan như vận tải. Người tiêu dùng gần như không chịu tác động lớn từ xu hướng tăng giá thực phẩm toàn cầu nhờ nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm từ mức đỉnh năm ngoái, giá gạo vẫn rẻ hơn các loại ngũ cốc khác. Hơn nữa, giá các loại dịch vụ như y tế và giáo dục có tăng nhưng khá nhẹ nhàng.

Giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm tăng nhưng vẫn dưới mức mục tiêu 4% của cả năm nay. Năm ngoái, sự hồi phục kinh tế vẫn chậm chạp đã góp phần giúp lạm phát cơ bản (loại trừ thực phẩm thiết yếu và chi phí nhiên liệu) ở dưới mức chung của khu vực.

Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng khi các hoạt động kinh tế trở lại với tốc độ như trước. Cước phí vận tải và giá cả hàng hóa như phân bón, thức ăn chăn nuôi ở mức cao có thể làm tăng giá cả các hàng hóa dịch vụ khác, càng làm tăng áp lực lạm phát.

Theo IMF, sự hồi phục kinh tế của Việt Nam cũng đối diện với một số “cơn gió ngược” từ suy giảm kinh tế toàn cầu. Tổ chức này giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm tới trong bối cảnh bất ổn giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, Trung Quốc suy giảm kinh tế. Sự suy giảm này sẽ làm giảm nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt từ các đối tác thương mại chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính đang được thắt chặt khi lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lên để kiềm chế lạm phát. Điều đó lại làm tăng chi phí tài chính và có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài, như ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực.

Đáng chú ý, sự không ổn định của các thị trường tài chính và thương mại toàn cầu có thể gây khó cho quá trình hồi phục, đặc biệt nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn ảnh hưởng bất lợi. Điều đó có thể là trở ngại với việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Những yếu tố nói trên buộc các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và thay đổi chính sách kịp thời.

Theo IMF, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực phục hồi kinh tế nhưng cần điều chỉnh linh hoạt với điều kiện kinh tế thích ứng. Ngân hàng Nhà nước nên chú trọng xem xét về rủi ro lạm phát gia tăng và nêu rõ thông điệp sẵn sàng hành động khi cần, duy trì cam kết đảm bảo mục tiêu lạm phát. Cơ quan chức năng cũng nên tiếp tục giải quyết tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm năng trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, cần tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế diện rộng để đạt được các mục tiêu phát triển. Chẳng hạn, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện thị trường lao động bằng việc nâng cao kỹ năng lao động và giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, mạng lưới an sinh xã hội cần được cải thiện để đạt hiệu quả cao hơn. Các rủi ro khí hậu cần được giải quyết bằng các quyết sách đầu tư cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm hấp thụ carbon...

"Hóa giải tốt các thách thức sẽ góp phần thúc đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng đáng kể của Việt Nam và tiếp tục vững bước trên con đường phát triển. Chiến lược phát triển của Việt Nam đã bao gồm những điểm cải cách, song điều quan trọng là việc thực hiện quyết liệt sẽ giúp đạt được tăng trưởng xanh, toàn diện và bền vững", các chuyên gia của IMF nhận xét.

Chuyên đề