Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg. |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chuẩn bị cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sau khi Tổng giám đốc Christine Lagarde cảnh báo rằng chiến tranh thương mại và điều kiện tín dụng thắt chặt đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, phát biểu tại Washington ngày 1/10, bà Lagarde phát tín hiệu rằng bà không còn lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu như cách đây mấy tháng. Mới cách đây 3 tháng, IMF còn dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,9% trong năm 2018 và 2019.
Dự báo mới của IMF về tăng trưởng toàn cầu sẽ được đưa ra trong bản cập nhật của báo cáo mang tên World Economic Outlook dự kiến công bố vào ngày 9/10, trước thềm hội nghị thường niên IMF tại Bali, Indonesia.
"Cách đây 6 tháng, tôi đã chỉ về phía những đám mây rủi ro ở đường chân trời", bà Lagarde phát biểu. "Hôm nay, một vài trong số những rủi ro đó đã trở thành sự thật".
Thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm, nhưng vị Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh rằng những dữ liệu gần đây đã bắt đầu cho thấy sự giảm tốc. Hoạt động của các nhà máy từ châu Á sang châu Âu đồng loạt sụt giảm trong tháng 9, theo số liệu công bố ngày thứ Hai.
Bà Lagarde nói những lời đe dọa bảo hộ mậu dịch đang trở thành "những hàng rào thương mại thực sự", gây tâm lý bấp bênh đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng USD mạnh lên và các điều kiện tài chính thắt chặt làm gia tăng thêm thách thức đối với nhiều thị trường mới nổi.
Bà Lagarde kêu gọi các quốc gia giải quyết tranh chấp thương mạnh, cảnh báo rằng sự đứt gẫy trong các chuỗi cung ứng doanh nghiệp có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. "Lịch sử cho thấy, việc đi một mình có thể là một điều hấp dẫn, các quốc gia cần phải chống lại sự mời gọi của tự cung tự cấp. Truyền thuyết Hy Lạp nói với chúng ta rằng, cách làm đó sẽ gây đắm thuyền", bà nói, nhưng không đề cập đến các quốc gia cụ thể dựng hàng rào thương mại.
Thời gian qua, người đứng đầu IMF đã liên tục cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến thương mại tổng lực gây sụt giảm tăng trưởng toàn cầu giữa lúc thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc - hai nước đang ở trong cuộc chiến thương mại gay gắt - vẫn không chịu nhượng bộ nhau, đặt ra khả năng cuộc chiến này không sớm kết thúc.
Mỹ hiện đã áp thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Trung Quốc cũng đã từ chối lời đề nghị đàm phán mới nhất mà Mỹ đưa ra vào tháng trước. Tổng thống Donald Trump ngày 1/10 nói giờ là lúc "còn quá sớm" để nối lại đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, và với Canada-Mexico. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xúc tiến đàm phán thương mại với châu Âu.
Trong cuộc họp vào tuần tới ở Indonesia, 189 quốc gia thành viên IMF hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung về thương mại. Đây là một thách thức lớn kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, bởi ông tuyên bố sẽ xóa bỏ tất cả những thỏa thuận thương mại mà ông cho là bất lợi cho Mỹ và thúc đẩy chủ trương "nước Mỹ trên hết" trong đối ngoại.
Bà Lagarde khuyến cáo các quốc gia cảnh giác với "biến động tài khóa và tài chính". Bà nhấn mạnh nợ toàn cầu, bao gồm cả nợ công và nợ của khu vực tư nhân, đã đạt mức kỷ lục 180 nghìn tỷ USD, tăng 60% so với năm 2007. Bà nói rằng các quốc gia mới nổi và đang phát triển sẽ gặp thách thức lớn hơn trong vấn đề trả nợ trong bối cảnh các quốc gia phát triển nâng lãi suất.
"Quy trình tăng lãi suất có thể gây thách thức lớn hơn nếu được đẩy nhanh bất ngờ", bà nói. "Điều đó sẽ dẫn tới sự điều chỉnh của thị trường, biến động mạnh trong tỷ giá hối đoái, và làm suy yếu các dòng vốn chảy vào" các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.