IMF bày tỏ quan điểm lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters. |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/7 một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức vốn đã thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Định chế này cảnh báo "những bước đi sai lầm" về chính sách thương mại và Brexit có thể gây trệch hướng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo hàng quý Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) của IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020, đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Mức tăng trưởng từ 3,3% trở xuống sẽ là mức tăng thấp nhất của kinh tế thế giới kể từ năm 2009.
"Sự khởi sắc tăng trưởng được dự báo trong năm 2020 là rất bấp bênh. Để sự phục hồi đó diễn ra, cần phải có sự bình ổn trở lại của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hiện đang chịu nhiều sức ép, cũng như cần phải có bước tiến tới giải quyết các bất đồng thương mại", báo cáo có đoạn viết.
Bên cạnh đó, IMF cũng cắt giảm dự báo về tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Định chế cho rằng thương mại toàn cầu chỉ tăng 2,5% trong 2019, giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, IMF cho rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ hồi phục trong năm 2020, đạt 3,7%, bằng mức tăng của năm 2018.
Cảnh báo u ám của IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu được đưa ra sau loạt dữ liệu xấu gần đây về kinh tế Trung Quốc, và trước số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này. Giới quan sát dự báo nền kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý 2.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang theo dõi sát sao mọi diễn biến của xung đột thương mại và bất kỳ dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng nào của các nền kinh tế đầu tàu. Cuối tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể có đợt hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ.
"Rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu nằm ở chỗ những diễn biến bất lợi - bao gồm Mỹ-Trung áp thêm thuế quan, Mỹ áp thuế ô tô, hay Brexit không thỏa thuận - gây suy giảm niềm tin, suy yếu hoạt động đầu tư, xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khiến tăng trưởng toàn cầu giảm sút dưới ngưỡng cơ sở", báo cáo có đoạn viết.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 6,2% năm nay và 6% năm tới, đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Thống kê từ Bắc Kinh mới đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng 6,2% trong quý 2, mức tăng quý thấp nhất kể từ 1992.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2019 được IMF tăng 0,3 điểm phần trăm, lên 2,6%, trên cơ sở mức tăng tốt hơn dự báo của Mỹ trong quý 1. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2020 được giữ nguyên ở mức 1,9% do các biện pháp hỗ trợ tài khóa mất dần tác dụng.
Dữ liệu GDP quý 2 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Giới phân tích dự báo mức tăng 1,8%, giảm mạnh so với mức tăng 3,1% đạt được trong quý 1.
Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển nói chung trong 2019 được IMF dự báo đạt 1,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị hạ triển vọng tăng trưởng 2019 về 4,1%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo cách đây 3 tháng. Năm 2020, nhóm này được dự báo tăng 4,7%.
Tăng trưởng của khu vực Eurozone được giữ nguyên ở mức 1,3% trong 2019. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 0,9%.