IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên “u ám và không chắc chắn hơn”. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cụ thể, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết, GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Theo dự báo của IMF, Mỹ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% năm 2022 và 1% năm 2023. Kể từ tháng 4, IMF đã 2 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do nhu cầu giảm ở nền kinh tế này.

IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4, do dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới nhiều thành phố lớn phải áp đặt lệnh phong tỏa, cùng với đó là cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), IMF giảm dự báo tăng trưởng từ 2,8% xuống 2,6%, do lạm phát tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo dự báo của IMF, tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. IMF nhận định, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với dự báo 8,7% đưa ra hồi tháng 4.

Với việc giá cả tăng cao thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, IMF cho biết, việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách. Theo IMF, các chính sách để giải quyết giá năng lượng và nhiên liệu cao hơn nên tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất mà không làm sai lệch giá chung.

Trong nhiều tháng nay, các ngân hàng trung ương đang dần áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện tăng lãi suất theo sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh, đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB sau 11 năm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn dai dẳng và đã đạt mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ và Anh trong tháng 6.

Chuyên đề