IMF: Gần 40% FDI trên thế giới là vốn “ngụy trang” để né thuế

Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)...
85% số vốn FDI "ngụy trang" chảy vào 10 nền kinh tế trên thế giới - Ảnh: Getty Images.
85% số vốn FDI "ngụy trang" chảy vào 10 nền kinh tế trên thế giới - Ảnh: Getty Images.

Theo một nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Đại học Copenhagen (Đan Mạch), gần 40% tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới - tương đương 15.000 tỷ USD - là vốn "ngụy trang" với mục đích né thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Con số này tương đương GDP của Đức và Trung Quốc cộng lại, theo Bloomberg.

Báo cáo của IMF cho biết số vốn đầu tư "ngụy trang" này đã tăng khoảng 10% trong 10 năm qua, bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế của nhiều nước trên thế giới. Số vốn này thường được đầu tư thông qua các công ty "vỏ bọc", không có hoạt động kinh doanh thực sự.

"FDI thường là động lực quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, kích thích tăng trưởng, việc làm và thúc đẩy năng suất lao động", báo cáo cho biết. Trong khi đó, vốn ngụy trạng làm "sai lệch số liệu thống kê FDI truyền thống và gây khó khăn cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế thực sự".

Báo cáo của IMF cho biết 85% số vốn ngụy trang này chảy vào 10 nền kinh tế trên thế giới, bao gồm Luxembourg, Hà Lan, Hồng Kông, British Virgin Islands, Bermuda, Singapore, Cayman Islands, Thụy Sỹ, Ireland và Mauritius. Trong đó, gần một nửa đổ về Luxembourg và Hà Lan - hai "thiên đường thuế" nổi tiếng trên thế giới.

"Luxembourg, quốc gia với 600.000 dân, nhận vốn FDI nhiều hơn so với Mỹ và hơn rất nhiều so với Trung Quốc", báo cáo chỉ ra. "FDI lớn như thế này không phản ánh chính xác dòng vốn đầu tư chính thống vào nền kinh tế với quy mô nhỏ bé của Luxembourg", báo cáo cho biết. FDI hàng năm của Luxembourg lên tới 4.000 tỷ USD, tương đương tỷ lệ FDI trên đầu người 6,6 triệu USD.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn tích cực thu hút FDI "ảo" với những ưu đãi như áp thuế thấp hoặc thậm chí miễn thuế. Nguyên nhân là, kể cả khi các công ty vỏ bọc nộp số thuế ít ỏi và không có nhiều nhân viên, họ vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế của nước đó khi dùng dịch vụ tư vấn thuế, kế toán và các dịch vụ tài chính khác. Các công ty này cũng nộp thuế đăng ký và chi phí vận hành doanh nghiệp. Tại nhiều nước ở vùng Caribbe, những loại phí này đóng góp phần lớn vào GDP, bên cạnh ngành du lịch.

Dù vậy, theo Jannick Damgaard, Thomas Elkjaer, và Niels Johannesen - các nhà nghiên cứu đứng sau báo cáo trên, xét trên tổng thế, công ty "vỏ bọc" cho thấy một thực tế rõ ràng rằng các công ty đa quốc gia đang tìm cách trốn thuế, cả ở quê nhà lẫn ở nước nhận FDI.

Vì vậy, "không ngạc nhiên" khi chính phủ tại một số nước nhận nhiều FDI "ảo" đã có các biện pháp ngăn chặn như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Cải cách thuế đang là một trong những ưu tiên lớn tại các nước thuộc nhóm G7. Mới đây, Pháp có biện pháp đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang hoạt động tại nước này. Động thái này đã tạo thêm áp lực lên các nước G7 khác nhằm đạt một thỏa thuận về thuế.

Chuyên đề