Ảnh Internet |
Chủ yếu là do chi phí vay tăng cao và các xung đột, IMF đã phải can thiệp để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng hơn, bao gồm những khó khăn lớn ở Ukraine, Ai Cập và nhiều nơi khác tại châu Phi cũng như ở Argentina và Pakistan.
Dư nợ tín dụng của IMF - thước đo chính về lượng tiền được giải ngân - tăng lên khoảng 151 tỷ USD vào cuối tháng 2, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của IMF.
Con số này có thể sẽ tăng hơn nữa sau khi IMF hoàn tất việc tăng quy mô hỗ trợ cho Ai Cập lên 8 tỷ USD, có thể là trong tháng này, đưa tổng số tiền hỗ trợ lên mức kỷ lục gần đây vào tháng 8/2023.
Masood Ahmed - Chủ tịch Trung tâm Phát triển toàn cầu, cựu Giám đốc Bộ phận Trung Đông của IMF - cho biết, mặc dù đại dịch đi qua, song "các quốc gia vẫn đang phải đối mặt với áp lực và căng thẳng". "Thế giới trở nên đầy rẫy các vấn đề địa chính trị. Có nhiều căng thẳng và xung đột hơn", ông Masood Ahmed nhận xét.
Hơn 50 quốc gia vay IMF hiện tham gia các chương trình cho vay hoặc bảo đảm - chiếm khoảng 1/4 số thành viên của Quỹ. Mặc dù con số này giảm từ 90 quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch Covid-19 - và phần lớn là với các khoản vay khẩn cấp không lãi suất nhỏ hơn - nhưng đây là mức cao nhất từ trước đến nay trong các chương trình vay thông thường của IMF.
Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc điều hành IMF cảnh báo rằng, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo là yếu tố chính gây ra bất ổn. Yếu tố thứ hai là xung đột.
"Chúng tôi thấy niềm tin giữa các quốc gia cũng đang giảm sút, trong khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Một thế giới bị chia cắt sẽ nghèo hơn và kém an toàn hơn", bà Kristalina Georgieva cho biết.
Theo bà Kristalina Georgieva, khoản hỗ trợ thanh khoản trị giá 1 nghìn tỷ USD của IMF bao gồm cả số tiền có sẵn nhưng chưa được sử dụng. Dù con số này tương đối nhỏ so với tổng nền kinh tế thế giới trên 100 nghìn tỷ USD, nhưng là minh chứng cho vai trò trung tâm của IMF trong việc giám sát và quản lý hệ thống tài chính toàn cầu.