Tuy nhiên, IMF cũng khuyến cáo các quốc gia cần duy trì sự cảnh giác cao độ, đặc biệt là đối với lạm phát dịch vụ. Bên cạnh đó, theo IMF, một số nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
IMF dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 5,8% trong năm nay - thấp hơn so với dự báo 5,9% đưa ra hồi tháng 7 - và giảm xuống 3,5% vào cuối năm 2025.
Triển vọng lạc quan về giá tiêu dùng xuất hiện chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Mỹ, trong đó lạm phát là vấn đề chính đối với cử tri. Người Mỹ luôn coi nền kinh tế và chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu, nhiều người cảm thấy rằng thu nhập của họ không còn được như trước.
Theo dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, giá cả hàng hóa và dịch vụ trong tháng 8/2024 tăng khoảng 20% so với tháng 2/2020 - thời điểm trước khi Covid-19 lan rộng toàn cầu, mặc dù tốc độ tăng giá hàng năm đã giảm đáng kể, tiến gần đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
FED giảm lãi suất 0,5%
FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn 4 năm vào tháng trước, song cũng chưa tuyên bố chiến thắng lạm phát. "Chúng tôi chắc chắn không nói rằng nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc bất cứ điều gì tương tự", Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết.
Tương tự, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã tránh tuyên bố kết thúc lạm phát cao ở châu Âu. Mặc dù vậy, bà Christine Lagarde cho rằng, "lạm phát đang đi đúng hướng".
Theo IMF, rủi ro lạm phát đang giảm trên toàn thế giới, nhưng các mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế đang gia tăng.
"Rủi ro suy giảm đang gia tăng và hiện chiếm ưu thế trong triển vọng kinh tế toàn cầu", IMF cho biết, đồng thời trích dẫn nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao do xung đột ở Trung Đông và động thái của các chính phủ hướng tới việc tăng thuế quan và chính sách bảo hộ công nghiệp.
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3,2% như dự báo đưa ra vào tháng 7. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng trong năm 2025 đã bị điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,2%.