Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Ảnh: Tường Lâm |
Mục đích của Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, thực hiện Chương trình góp phần hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Chiến lược, trong đó có việc huy động nguồn lực đầu tư vào khu vực dịch vụ với nhiều giải pháp.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch ngành quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển của các lĩnh vực dịch vụ để xác định nhu cầu, cơ cấu nguồn vốn đầu tư phù hợp.
Ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN và quy định của Luật Đầu tư công để phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như: giao thông, cảng biển, cảng hàng không, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng.
Nghiên cứu, đề xuất đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài NSNN, bao gồm: vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của Luật Đầu tư để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ.
Đặc biệt, khuyến khích và dành ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, y tế, giáo dục - đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin, lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của Luật Điện lực), thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải.
Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao ngang bằng với nhóm quốc gia ASEAN - 4, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP và trong thời kỳ 2030 - 2050 chiếm khoảng 60% GDP.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm quốc gia, lĩnh vực dịch vụ quan trọng; khuyến khích, ưu đãi để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước đối với các ngành dịch vụ ưu tiên; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị của DN nước ngoài cho DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ…
Đánh giá cao những giải pháp để huy động nguồn lực phát triển khu vực dịch vụ đề ra trong Chương trình, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế. Trong đó, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics còn hạn chế.
Theo ông Nghĩa, lâu nay, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng vẫn chủ yếu là nguồn vốn NSNN. Tuy nhiên, với những cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư được Bộ KH&ĐT đề xuất thực hiện trong Chương trình, nếu được triển khai mạnh mẽ sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư khu vực tư nhân. Khi đó, “bộ mặt” kết cấu hạ tầng sẽ tốt lên, chi phí logistics rẻ hơn, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Minh, chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ logistics nhấn mạnh thêm, một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam ùn ứ hàng km chờ thông quan ở các cửa khẩu vừa qua là do kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics chưa phát triển; thiếu những trung tâm logistics tầm cỡ với hệ thống kho hàng đảm bảo…
Trong khi đó, ở lĩnh vực dịch vụ môi trường, một nhà đầu tư nhà máy điện rác chia sẻ, thực tế, tại Việt Nam nhiều nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư các nhà máy xử lý rác, trong đó có cả những nhà máy điện rác. Tuy nhiên, quá trình thu hút tư nhân tham gia đầu tư các dự án này thường gặp khó khăn do thiếu cơ chế chính sách liên quan đến xác định mức phí thu gom, xử lý rác thải phù hợp để nhà đầu tư yên tâm.