Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 đạt mức 2,58% được đánh giá là một kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều trở ngại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay là quá cao so với tăng trưởng GDP và điều này đặt ra vấn đề cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn vốn tín dụng trong năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 28/12/2021 đạt mức 12,97% và dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đạt khoảng 14%. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 28/12/2021 đạt mức 12,97% và dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đạt khoảng 14%. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2021, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 28/12/2021 đạt mức 12,97% và dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đạt khoảng 14%. Mức tăng trưởng tín dụng định hướng của năm 2022 được đặt ở mức khoảng 14%, có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), mức tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn 2 năm trước và bằng năm 2018, song tăng trưởng kinh tế lại ở mức thấp nhất trong 4 năm qua là một điểm cần xem xét thấu đáo để hiểu được vốn tín dụng có thực sự vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là chủ yếu hay không. “Tiền thực sự đi đâu? Có phải một phần vốn tín dụng được dùng để cho vay đảo nợ hay không?”, ông Đức Anh nêu câu hỏi.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2021 là khoảng 12% nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, NHNN đã có các chính sách gia hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ, khách hàng còn nợ cũ chưa trả vẫn được vay mới và mức tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt 14%.

“NHNN cũng nhận diện là có thể có trường hợp dòng tiền vay được gia hạn trả nợ chạy vào thị trường chứng khoán hoặc bất động sản. Kiểm soát được việc này là điều không dễ dàng trong điều kiện hiện nay, song NHNN luôn chú trọng kiểm soát rủi ro, sẽ tăng cường giám sát từ nhiều góc độ để bảo đảm an toàn, lành mạnh cho các thị trường, trong đó có thị trường tín dụng”, ông Tú nói.

Do đó, năm 2022, NHNN duy trì việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định nhưng không cố định, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp đồng thời với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Dòng vốn tín dụng năm 2022 sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, có thể xem xét nới hạn mức tín dụng hoặc sử dụng các công cụ điều hành để tăng nguồn vốn khả dụng cho các ngân hàng thương mại. Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp của những tổ chức phát hành có sức khỏe tài chính chưa lành mạnh sẽ được thanh tra, giám sát chặt chẽ và triển khai từ đầu năm.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng cùng với chương trình phục hồi kinh tế đang được xây dựng sẽ cung cấp lượng tiền lớn ra nền kinh tế. Do đó, một trong những vấn đề then chốt trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022 là kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

“Việc này đòi hỏi cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phải thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, nhằm tránh việc các ngân hàng vì lợi nhuận nên dễ dàng thực hiện việc cho vay quá mức. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần có các biện pháp thích hợp và hiệu quả để điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”, ông Thịnh nói.

Chuyên đề