Humexco từng là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản |
Doanh thu sụt giảm mạnh
Humexco được thành lập vào cuối năm 2005, có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng titan, chế biến các sản phẩm từ loại quặng này…
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản titan tại Việt Nam, trong quá trình hình thành và phát triển, Humexco đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Thậm chí, Công ty còn được ghi nhận xếp hạng 203 trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vào năm 2012.
Tuy vậy, thời điểm Humexco quyết định cổ phần hóa cũng là lúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này có dấu hiệu đi xuống.
Năm 2018, doanh thu của Humexco đã sụt giảm mạnh từ 101,8 tỷ đồng (năm 2017) xuống còn 22,4 tỷ đồng (giảm 78%), lợi nhuận sau thuế âm 0,14 tỷ đồng.
Công ty TNHH Kiểm toán AVN Việt Nam - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018 của Humexco còn cho rằng, con số lỗ thực tế của Humexco sẽ tăng mạnh nếu được ghi nhận đầy đủ.
Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán AVN Việt Nam cho biết, Humexco ngừng sản xuất tại một số mỏ titan và mỏ đá, nhưng trong năm 2016 và 2017, Công ty chưa trích khấu hao tài sản cố định và phân bổ chi phí trả trước phát sinh tại các mỏ này. Điều này dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí khấu hao lũy kế đến ngày 31/12/2018 là hơn 48,7 tỷ đồng (trong đó chi phí khấu hao của riêng năm 2018 là hơn 13,7 tỷ đồng). Theo đơn vị kiểm toán, nếu ghi nhận đúng thì chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên kết quả kinh doanh năm 2018 sẽ lỗ thêm 13,7 tỷ đồng, tức cả năm 2018 Humexco sẽ lỗ gần 14 tỷ đồng.
Đồng thời, lỗ lũy kế của Công ty tính đến 31/12/2018 sẽ tăng thêm 48,7 tỷ đồng lên thành 56,1 tỷ đồng.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Khoản nợ hơn 100 tỷ đồng
Thuyết minh chi tiết về khoản phải trả này cho biết, theo Thông báo số 223/ĐTKDV-TCKT ngày 21/2/2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đến thời điểm 20/2/2017, Humexco còn nợ lợi nhuận các năm 2011, 2012 phải nộp SCIC số tiền gần 109,4 tỷ đồng và lãi chậm trả tính đến 20/2/2017 là hơn 21,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện thanh toán cho SCIC số tiền trên.
SCIC hiện đã được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Kể từ năm 2013, phần lợi nhuận sau thuế hàng năm của SCIC được thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 204/2013/NĐ-CP và Nghị quyết 78/2014/QH13.
Vì vậy, việc Humexco nợ SCIC hơn 100 tỷ đồng cũng có thể hiểu rằng, doanh nghiệp này đang nợ ngân sách nhà nước số tiền tương đối lớn.
Với tình hình kinh doanh sa sút và tài chính không thực sự lành mạnh, mục tiêu đấu giá thành công cổ phần của Humexco gặp thách thức không nhỏ.