Huawei chưa được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Ảnh:SCMP. |
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News sau khi Tổng thống Donald Trump cho phép Huawei mua công nghệ từ Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - Larry Kudlow - cho biết công ty Trung Quốc chỉ được tiếp cận "các sản phẩm có tính rộng rãi trên toàn thế giới", đồng thời sẽ bị giới hạn mua bán "thiết bị nhạy cảm".
"Các công ty vi mạch của Mỹ đang bán sản phẩm rộng rãi trên toàn thế giới. Huawei sẽ được giao dịch với họ nhưng không phải được ân xá. Mối quan tâm về an ninh quốc gia vẫn là quan trọng nhất", Kudlow nói.
Ông này nhấn mạnh, công ty Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách thực thể (Entity List). Bộ Thương mại Mỹ sẽ cấp một số giấy phép bổ sung cho các sản phẩm mà công ty này muốn mua. Nếu thiết bị nằm trong danh mục cấm, Bộ sẽ từ chối.
Việc ông Trump dỡ bỏ một phần hạn chế với Huawei được đánh giá là động thái nhượng bộ của chính quyền Mỹ trước Trung Quốc, với kỳ vọng sẽ mở lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ giữa hai nước. Tuy nhiên, nói với NBC, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng Thượng viện sẽ không hài lòng nếu chính phủ có quá nhiều nhượng bộ cho Huawei.
Huawei từ lâu bị Mỹ nghi ngờ tiếp tay cho Bắc Kinh do thám chính phủ các nước. Hãng công nghệ Trung Quốc khẳng định họ không làm gì sai trái và đã nỗ lực vận động hành lang suốt 6 tuần qua để có cơ hội hợp tác trở lại với các doanh nghiệp Mỹ - nguồn cung ứng linh kiện chủ chốt của họ, đồng thời dự đoán bị thiệt hại khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong vòng hai năm sau lệnh cấm vận của Mỹ.
Theo thống kê, Huawei đã mua tới 11 tỷ USD hàng hóa từ các công ty Mỹ như Intel, Micron, Google... Giới phân tích cho rằng các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại không nhỏ vì lệnh cấm bởi họ đang bán "một lượng sản phẩm khổng lồ" cho công ty Trung Quốc.