Hơn 63 triệu cử tri bỏ phiếu sớm, Mỹ hướng tới kỳ bầu cử lập kỷ lục 112 năm

0:00 / 0:00
0:00
Với tỷ lệ bỏ phiếu sớm cao, tổng số cử tri Mỹ đi bầu cử năm 2020 được dự báo đạt 150 triệu, tương đương 65% số cử tri đủ điều kiện bầu cử - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908...
Hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 - Ảnh: Financial Times.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 - Ảnh: Financial Times.

Tính tới tối ngày 26/10 (giờ Mỹ) đã có hơn 63 triệu cử tri nước này bỏ phiếu bầu tổng thống nhiệm kỳ 2021 - 2025. Con số này cao gấp 15 lần so với 4 triệu phiếu bầu sớm ở cùng thời điểm của cuộc bầu cử năm 2016, Financial Times dẫn dữ liệu từ Dự án Bầu cử Mỹ cho biết.

Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày bầu cử chính thức 3/11, số lượng phiếu bầu sớm tại một số bang tại Mỹ thậm chí sắp vượt tổng số phiếu bầu của 4 năm trước. Ví dụ, tại bang Texas, hiện đã có 7,4 triệu người bỏ phiếu, tương đương hơn 80% tổng số lượng phiếu bầu của bang này trong cuộc bầu cử năm 2016.

“Rất nhiều người lo ngại về khả năng tổ chức bầu cử giữa đại dịch Covid-19", Michael McDonald, quản lý Dự án Bầu cử Mỹ, cho biết.

Với tỷ lệ bỏ phiếu sớm cao, ông McDonald dự đoán tổng số cử tri đi bầu cử năm 2020 sẽ đạt mức cao kỷ lục khoảng 150 triệu, tương đương 65% số cử tri đủ điều kiện bầu cử. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908. Năm 2016, tổng số cử tri bầu cử là 137 triệu.

Theo Financial Times, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm tăng mạnh sau khi quan chức tại nhiều bang cho phép cử tri bỏ phiếu nhanh chóng và tiện lợi hơn nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do tụ tập đông. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự hăng hái của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử được mô tả là quan trọng bậc nhất trong lịch sử Mỹ, với hai ứng viên là đương kim Tổng thống Donald Trump và nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Biden - phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama.

Theo phân tích thăm dò bầu cử RealClearPolitics, ông Biden hiện dẫn trước ông Trump 8,5% trên toàn quốc và tại hầu hết các bang chủ chốt - còn gọi là “bang chiến trường”.

“Năm nay, chúng ta dự kiến có một cuộc bầu cử bùng nổ với cử tri ủng hộ cả hai đảng tham gia bầu cử với tỷ lệ cao”, ông Wasserman cho biết.

Ông cho rằng số lượng cử tri bỏ phiếu sớm cao kỷ lục một phần nhờ công tác vận động cử tri quyết liệt với ngân sách hàng triệu USD của các tổ chức dân sự, các bang, và cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa.

Thời gian qua, đảng Dân chủ liên tục kêu gọi cử tri Mỹ bầu cử sớm qua thư hoặc trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu trước những diễn biến khó lường của đại dịch và quan ngại về việc xếp hàng dài vào ngày bầu cử. Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng kêu gọi cử tri bỏ phiếu sớm, dù thông điệp này mâu thuẫn với quan điểm chỉ trích hình thức bầu cử qua thư của ông Trump. Tổng thống Mỹ cho rằng bầu cử qua thư là hình thức “đầy rẫy gian lận”.

Theo phân tích của hãng dữ liệu TargetSmart, tính tới sáng ngày 26/10 (giờ Mỹ), số phiếu bầu ủng hộ ông Joe Biden làm tổng thống chiếm 49,4% tổng số phiếu bầu sớm, trong khi đó, tỷ lệ bầu cho ông Trump là 40,8%.

“Dữ liệu của TargetSmart cho thấy sự gia tăng đáng kể của những cử tri ‘mới’ - những người không bỏ phiếu vào năm 2016”, nhà thăm dò ý kiến Geoff Garin của đảng Dân chủ nhận xét.

Kết quả thăm dò cập nhật ngày 27/10 của RealClearPolitics cho thấy ông Biden đang dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ 51,4% trên toàn quốc.

Theo các nhà phân tích, đảng Dân chủ đang kỳ vọng rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn năm nay có thể tái lập “liên minh Obama" đã giúp đảng này giành được Nhà Trắng năm 2008 và 2012. Năm 2016, chỉ 55,5% dân số đủ tuổi bầu cử đi bỏ phiếu, trong khi đó, tỷ lệ này của năm 2008 là 57,1%.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những dữ liệu này chưa nói lên điều gì.

“Tại nhiều bang chủ chốt, những cử tri đi bầu cử sớm chủ yếu ủng hộ đảng Dân chủ. Dù đây là tin vui đối với đảng Dân chủ nhưng không đồng nghĩa rằng ông Joe Biden - ứng viên của đảng này - sẽ giành chiến thắng bởi những người bầu cho ông Trump có thể sẽ đi bỏ phiếu với tỷ lệ tăng vọt vào ngày bầu cử 3/11”, Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia, bình luận.

Đồng tình với quan điểm này, chiến lược gia Whit Ayres cho rằng số liệu bầu cử sớm không nói lên gì nhiều, ngoại trừ một điều là nước Mỹ có thể sẽ có một kỳ bầu cử “với tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất lịch sử”.

“Các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đang bỏ phiếu sớm qua thư, trong khi cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa có thể sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp vào ngày 3/11. Vì vậy, dữ liệu bỏ phiếu sớm chẳng nói nên điều gì về kết quả cuộc bầu cử”, ông Ayres nhận xét.

Theo Financial Times, số lượng phiếu bầu sớm tăng cao có thể khiến việc xác định người thắng cử chậm trễ hơn. Một số bang, bao gồm các “bang chiến trường” như Pennsylvania và Wisconsin, sẽ chờ tới ngày bầu cử mới bắt đầu kiểm đếm số phiếu bầu qua thư. Do đó, quá trình kiểm đếm và công bố kết quả có thể kéo dài vài ngày.

Chuyên đề