Hơn 272 nghìn tỷ phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030: Mở đường cho vốn tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030 của TP.HCM có quy mô vốn hơn 272 nghìn tỷ đồng. TP.HCM xác định coi trọng công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và dùng cơ chế chính sách để thu hút vốn đa kênh từ khu vực tư nhân.
Nhu cầu vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030 dự kiến khoảng 272.316 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030 dự kiến khoảng 272.316 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2024 - 2030, Thành phố ưu tiên triển khai đầu tư 88 dự án (không bao gồm các tuyến đường sắt đô thị theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM), bao gồm: đường cao tốc, đường kết nối với cao tốc (6 dự án); đường quốc lộ (4 dự án); đường vành đai (7 dự án); nút giao thông, cầu lớn (12 dự án); đường sắt đô thị (2 dự án); đường đô thị (19 dự án); đường liên khu vực (9 dự án); đường thủy (18 dự án, gồm 3 dự án phát triển cảng, 5 dự án nạo vét luồng đường thủy, 10 dự án kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông); bến bãi giao thông tĩnh (11 dự án).

Về tiến độ triển khai, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, trong 2 năm 2024 - 2025, sẽ tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 88 dự án. Theo đó, các thủ tục gồm: lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư... Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư các dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo của dự án như đấu thầu, thi công, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, TP.HCM đặt mục tiêu phải triển khai bằng được Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án này dự kiến khoảng 272.316 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Thành phố dự kiến khoảng 198.697 tỷ đồng (chiếm 73%), vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến 69.256 tỷ đồng (khoảng 25%), vốn ngân sách trung ương dự kiến khoảng 4.361 tỷ đồng (2%). Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, cần 25.046 tỷ đồng, trong đó ưu tiên bổ sung bố trí kế hoạch vốn năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư 20 dự án. Giai đoạn 2026 - 2030 cần 173.617 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Thành phố sẽ đẩy nhanh thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn trong giai đoạn 2024 - 2030, đồng thời cân đối nguồn thu ngân sách để lại cho Thành phố theo quy định để ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện. Sở GTVT sẽ thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định về đầu tư công, đầu tư PPP. Trong đó, Sở sẽ chú trọng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030, vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư dự kiến là 69.256 tỷ đồng, chiếm khoảng 25%. Ảnh: Lê Tiên

Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030, vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư dự kiến là 69.256 tỷ đồng, chiếm khoảng 25%. Ảnh: Lê Tiên

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, Phó Giám đốc Phạm Trung Kiên cho biết, đang tham mưu cho UBND Thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp cơ sở cho các dự án PPP. Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật về đầu tư PPP. Sở cũng sẽ trực tiếp tham mưu cho Thành phố với vai trò là cơ quan có thẩm quyền trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, hoàn thiện, ký kết các hợp đồng dự án PPP. Trong đó có các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.

Đặc biệt, theo ông Kiên, Sở sẽ rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố nhằm có sự thống nhất với Bộ KH&ĐT về danh mục dự án PPP trọng điểm ngành GTVT cần vốn ngân sách tham gia dự án đến 70% tổng mức đầu tư dự án; dự án sử dụng vốn đầu tư công có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp, có tổng mức đầu tư dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

Để Kế hoạch đầu tư đạt yêu cầu và tiến độ đề ra, lãnh đạo TP.HCM thống nhất quan điểm đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình…, tạo cơ sở tốt nhất kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án đảm bảo phát huy hiệu quả, công khai, minh bạch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Đây là giai đoạn vàng để TP.HCM cải thiện toàn diện hạ tầng giao thông, thu hút đa kênh vốn tư nhân tham gia dự án trọng điểm bằng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. UBND Thành phố cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo phát huy đồng vốn ngân sách lẫn nguồn vốn của các nhà đầu tư”.

Trong 88 dự án TP.HCM ưu tiên triển khai đầu tư giai đoạn 2024 - 2030, có những công trình trọng điểm nổi bật như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (vốn đầu tư 19.598 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (hơn 1.000 tỷ đồng); mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (hơn 2.300 tỷ đồng)…

Chuyên đề