Ảnh Internet |
Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Cụ thể, quý I/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 134.800 tỷ đồng, quý II là 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng, tháng 10/2022 là 5.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.
Về cơ cấu, các tổ chức tín dụng cũng là nhóm phát hành lớn nhất với 41,3% tổng khối lượng phát hành. Theo sau là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,9% và 7,8% lượng phát hành.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong giai đoạn này đã là 152.500 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết, sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến nhà đầu tư và thị trường.
Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Về quản lý giám sát, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc vi phạm lớn và sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra từ nay đến cuối năm.
Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp về tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.