“Hồi sinh” hình thức hợp đồng BT: Thêm kênh huy động nguồn lực cho phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những điểm mới khi sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là quy định lại hình thức hợp đồng BT trên cơ sở đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Việc áp dụng hợp đồng BT sẽ tạo điều kiện huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Ảnh: Lê Tiên
Việc áp dụng hợp đồng BT sẽ tạo điều kiện huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc quy định lại là cần thiết, làm tốt, làm sớm sẽ khơi nguồn lực tư nhân rất lớn và phát huy hiệu quả đất đai. Tuy nhiên, cần đổi mới cách thức để không lặp lại những sai phạm cũ.

Đổi mới toàn diện cách thức thực hiện

Báo cáo Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nội dung sửa đổi Luật PPP là tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này (tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án). Đồng thời, bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.

Đây là một trong những nội dung sửa đổi tại Luật PPP được ĐBQH rất quan tâm. Bởi lẽ, năm 2020, Luật PPP đã dừng thực hiện dự án BT do những bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này như: một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…

Nên chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Khi doanh nghiệp quyết định đầu tư một khoản tiền lớn để thực hiện dự án BT, họ không chỉ đóng góp hạ tầng cho xã hội mà còn đặt cược vào sự phát triển lâu dài của địa phương.

Khi thảo luận tại tổ, có 2 luồng quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị trước mắt phải xử lý được những hợp đồng BT đã ký trước đây và tổng kết ở một số địa phương vừa rồi Quốc hội cho phép thí điểm để xem hiệu quả như thế nào trước khi luật hóa, áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đa số ĐBQH cho rằng, cần phục hồi hình thức BT để thêm kênh huy động nguồn lực ngay tại lần sửa đổi Luật này, nhất là trong bối cảnh cần triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng rất lớn thời gian tới.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), việc áp dụng hình thức BT thanh toán bằng tiền và bằng đất trước đây đã mang lại những hiệu quả nhất định, nhưng vì quản lý thực thi yếu kém, phát sinh nhiều tiêu cực, nên phải dừng thực hiện. Theo ông Lâm, cần nhìn nhận rằng đất khi chưa có đầu tư giá trị sẽ thấp, khi có đầu tư, có dự án thì giá trị tăng lên, nhà đầu tư phải được hưởng và Nhà nước hưởng lợi, người dân cũng được hưởng lợi. Vấn đề là làm sao hài hòa lợi ích. Cần phải mạnh dạn thực hiện, vì BT là hình thức hiệu quả, một số địa phương đã thí điểm, nếu đồng bộ và luật hóa là tốt và làm sớm sẽ khơi nguồn lực rất lớn. Nếu chờ đánh giá tổng kết thí điểm xong mới xác định luật hóa thì sẽ bị trì trệ, chậm thu hút nguồn lực.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Quốc Huy (Hà Nam), cho rằng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, nếu huy động được các nguồn lực cộng với kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân, sẽ có nhiều dự án sớm phát huy hiệu quả để thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Cần tránh các tồn tại, hạn chế cũ

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải đánh giá rất kỹ những bất cập, vướng mắc, sơ hở của những giai đoạn trước, để lần này khi quyết định phục hồi hình thức hợp đồng BT thì sẽ đạt hiệu quả, khắc phục những hạn chế, tồn tại, thất thoát trước đây. Đồng thời, quy định cho phù hợp với cơ chế triển khai, thanh toán cho nhà đầu tư, làm sao vừa phát huy được hiệu quả của loại hợp đồng này nhưng cũng không dẫn đến những sai phạm mới.

Đại biểu Trương Quốc Huy đề nghị cần nghiên cứu để đồng bộ giữa Luật PPP và Luật Ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế thanh toán. Đồng thời, cần quy định rõ về trình tự, thủ tục thanh toán, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, cần bảo đảm sự ổn định của chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia. BT không chỉ là một phương thức đầu tư mà có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, quyền lợi doanh nghiệp, xa hơn là tương lai phát triển của đất nước. Một chính sách mà chỉ thay đổi trong vòng 2 - 3 năm sẽ khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư vì họ không có đủ thời gian để thích ứng và yên tâm phát triển.

Việc sớm phục hồi hình thức hợp đồng BT là cần thiết trong bối cảnh nhiều dự án kết cấu hạ tầng rất lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi
Việc sớm phục hồi hình thức hợp đồng BT là cần thiết trong bối cảnh nhiều dự án kết cấu hạ tầng rất lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông So, trong lần sửa đổi này, nên chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Khi doanh nghiệp quyết định đầu tư một khoản tiền lớn để thực hiện dự án BT, họ không chỉ đóng góp hạ tầng cho xã hội mà còn đặt cược vào sự phát triển lâu dài của địa phương. Trong quá khứ, những giá trị doanh nghiệp bỏ ra thường bị xem nhẹ. Hiện nay, chúng ta đang e ngại vấn đề chênh lệch giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao so với dự kiến trong hợp đồng. Việc các doanh nghiệp ứng trước một số vốn khổng lồ và chịu những chi phí phát sinh không ngừng trong suốt quá trình triển khai dự án là điều không dễ dàng. Những thủ tục hành chính, việc giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài khiến cho chi phí vốn đội lên, trong khi dự án vẫn chưa thể sinh lời. Nếu chỉ nhìn vào giá trị đất đai được giao mà không tính đến những khó khăn và tổn thất về vốn của doanh nghiệp, sẽ không thu hút được các nhà đầu tư khác vào phát triển hạ tầng một cách bền vững.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, nên chú trọng việc đơn giản hóa và tháo gỡ thủ tục pháp lý, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí mà còn bảo đảm tiến độ dự án, tạo ra giá trị thực sự cho cả hai bên.

Có ý kiến chia sẻ, về quy định dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh khai thác sau khi công trình thực hiện hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác, một số nhà đầu tư cho rằng quy định này hơi chặt quá. Một số nhà đầu tư đề nghị chỉ cần hoàn thành toàn bộ trách nhiệm của nhà đầu tư liên quan đến ứng vốn, bồi thường, tái định cư và hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình là có thể được tiến hành khai thác quỹ đất đối ứng khi đủ điều kiện theo pháp luật liên quan.

Một số ĐBQH cho rằng, khôi phục loại hợp đồng BT là cần thiết, nhưng là vấn đề khó, vừa làm vừa điều chỉnh, vì thế chỉ nên quy định nguyên tắc ở trong luật, còn giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục thực thi.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT tại Dự thảo Luật. Để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Chuyên đề