Giá trị giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay tăng mạnh nhờ vào việc thoái vốn của một số tập đoàn lớn. Ảnh: Duy Quang |
Tìm kiếm các dự án, quỹ đất sạch lớn
Giá trị giao dịch M&A BĐS từ đầu năm đến nay tăng mạnh (nửa đầu năm 2024 tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước) nhờ vào việc thoái vốn của một số tập đoàn lớn. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng 55% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại SDI cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc (16%), Công ty CP Đầu tư kinh doanh NP (16%), Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Falcon (12,5%), Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Emerald (10,5%), với tổng giá trị 982,3 triệu USD. SDI là đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty CP Kinh doanh thương mại Sado và Sado là cổ đông lớn nhất, nắm 41,5% vốn của Vincom Retail. Sau thương vụ này, Vingroup hạ tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại Vincom Retail còn 18,8% vốn, trở thành cổ đông lớn thứ hai.
Tương tự, mới đây, thông qua thỏa thuận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cho Vietnam Oman Investment (liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) với trị giá 68,7 triệu USD, Vietnam Oman Investment sẽ trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI). Gói trái phiếu trên có thời hạn 3 năm và Vietnam Oman Investment sẽ được chuyển đổi toàn bộ trái phiếu thành cổ phiếu VPI tại thời điểm đáo hạn. Giá chuyển đổi là 35.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 6/2024, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã hoàn tất mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD. Sau thương vụ này, ước tính Nam Long có thể thu về khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, thời gian gần đây, lĩnh vực BĐS tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua M&A và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có được điều này là nhờ tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định trong dài hạn, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, xu hướng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam đang rõ nét. Riêng lĩnh vực BĐS nhà ở, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm mua lại các dự án hoặc quỹ đất sạch lớn ở khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố vệ tinh, lân cận với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để đầu tư các dự án phức hợp nhằm đón đầu làn sóng đô thị hóa.
Củng cố tiềm lực tài chính
Một nguồn tin cho biết, khi thoái vốn khỏi Vincom Retail, Vingroup có thể lãi 21.520 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính này sẽ giúp Vingroup kích hoạt nhiều dự án mới trong thời gian tới.
Với Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest, ngoài khu đô thị Văn Phú, The Terra - An Hưng, Grandeur Palace Giảng Võ, Vlasta - Sầm Sơn, sau M&A, công ty này đang đẩy mạnh triển khai một loạt dự án trọng điểm như: The Terra Bắc Giang, Vlasta Thủy Nguyên - Hải Phòng, mang đến nhiều nguồn cung mới cho thị trường.
Đặc biệt, với Tập đoàn Nam Long, Dự án Paragon Đại Phước đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng, được phê duyệt quy hoạch 1/500, đóng tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ Dự án. Tới đây, Tập đoàn sẽ phát triển các dòng sản phẩm biệt thự song lập và đơn lập cao cấp để tung ra thị trường.
“Thực tiễn cho thấy, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi M&A dự án BĐS, điều họ quan tâm hàng đầu là pháp lý dự án. Vì vậy, nếu giải quyết được những vướng mắc pháp lý cho các dự án, thì sự sôi động của M&A sẽ có tác dụng thúc đẩy các dự án triển khai nhanh hơn, cung cấp sản phẩm nhà ở ra thị trường nhiều hơn, giúp thị trường nhanh hồi phục và giải được bài toán nhà ở cho người dân”, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa thực sự sôi động trở lại, tín dụng không còn nới lỏng như trước, việc M&A các dự án BĐS hoặc chuyển nhượng vốn cổ phần ở các công ty thành công giúp nhiều doanh nghiệp BĐS củng cố tiềm lực tài chính để phát triển. Đặc biệt, những thay đổi về khung khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS từ sau 1/8/2024 sẽ có tác dụng thanh lọc thị trường, giải quyết những vướng mắc tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho những dự án mới, gia tăng tính cạnh tranh, buộc các DN phải hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Trong các yếu tố tác động tới thị trường BĐS, yếu tố tài chính luôn được DN quan tâm nhất. Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển M&A trong lĩnh vực BĐS. Đặc biệt, các quy định mới tại Luật Đất đai 2024 bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài là tiền đề để đón làn sóng M&A nước ngoài vào thị trường này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nên nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý khi cân nhắc “xuống tiền” để đảm bảo thương vụ diễn ra thuận lợi.