Hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, lấy phòng ngừa là chính

Cùng với vấn đề tăng trưởng, một trong hai nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lựa chọn để báo cáo thêm trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay là công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: VGP

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương khoảng gần 1,3 tỷ USD).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH; triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các biện pháp, từ chủ động phòng ngừa, ứng phó, đến khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của người dân sau thiên tai.

“Công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất tính mạng và tài sản của nhân dân, thể hiện rất rõ qua cơn bão số 10 vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, để có những giải pháp căn cơ, ứng phó và thích ứng hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng tại khu vực ĐBSCL, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về BĐKH và ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH với tầm nhìn dài hạn và những giải pháp chiến lược.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, BĐKH vẫn còn nhiều bất cập; chưa chủ động đầu tư phòng ngừa và thích ứng; thiệt hại do thiên tai còn lớn. Từ đầu năm đến nay, bão và áp thấp nhiệt đới đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 36.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Năng lực ứng phó thiên tai, BĐKH còn hạn chế.

Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai còn rất hạn chế, chưa huy động được các nguồn kinh phí ngoài ngân sách. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai còn phổ biến, chậm được khắc phục. Nổi cộm là khai thác cát trái phép trên các dòng sông; lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch gây sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Lồng ghép phòng chống thiên tai trong quy hoạch

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, lấy phòng ngừa là chính.

“Phải lồng ghép phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tránh làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần sớm xây dựng bản đồ phân bố dân cư; rà soát, di dời các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc có phương án sơ tán khi có thiên tai..., đặc biệt là các tỉnh miền núi và ĐBSCL.

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục bố trí, huy động nguồn lực cho công tác này và có các giải pháp để huy động thêm nguồn lực từ xã hội và cộng đồng quốc tế. Trước mắt sẽ ưu tiên triển khai các công trình, dự án đặc biệt cấp bách.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ có các giải pháp nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, BĐKH; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Tập trung bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng sông, bờ biển; bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ đê điều.

Đối với vùng ĐBSCL, tới đây sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể, xử lý hiệu quả những tác động từ bên ngoài (BĐKH, nước biển dâng, việc khai thác thuỷ điện tại thượng nguồn, thiên tai..), cũng như những tác động bên trong (quá trình phát triển kinh tế). Từ đó, xây dựng các dự án ứng phó, các giải pháp thích ứng phù hợp. Chính phủ cũng sẽ xem xét thành lập Quỹ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Chuyên đề