Với sự đồng lòng và vững tin ở những giải pháp của Chính phủ, cả nước đang từng bước chiến thắng dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Dù nguồn lực còn hạn chế, song với sự đồng lòng và vững tin ở những giải pháp của Chính phủ, cả nước đang từng bước chiến thắng dịch bệnh, nền kinh tế dần có những chuyển biến tích cực bằng những giải pháp đặc biệt.
Những chính sách kịp thời và đúng liều lượng
Đầu tháng 4, khi Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố tình trạng dịch trên toàn quốc, các mũi tiến công chống dịch và hỗ trợ kinh tế được đẩy thêm một bước mạnh mẽ và tiếp tục triển khai theo diễn biến dịch bệnh và “sức khỏe” của nền kinh tế.
Trên mặt trận kinh tế, gói chính sách tài khóa và tiền tệ lên đến khoảng 630 nghìn tỷ đồng là kết quả của những nỗ lực chắt chiu và tận dụng nguồn lực còn hạn chế của quốc gia vì sự hồi phục của nền kinh tế cho cả giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Mức hỗ trợ trên tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2019. Đây là tỷ lệ cao trong so sánh với gói hỗ trợ chỉ từ 5% - 9% GDP của các nước phát triển, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tác động đến nước ta ở mức độ thấp hơn đáng kể so với các nước xét về số lượng người nhiễm và các chỉ báo kinh tế. Điều đó cho thấy bản lĩnh và quyết tâm của Chính phủ nhằm đưa đất nước vượt qua trận dịch chưa từng có trong lịch sử này.
Đó là gói giãn nợ, giảm lãi suất lên đến khoảng 300 nghìn tỷ đồng, gói tài khóa khoảng 180 nghìn tỷ đồng với 98% số doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng, gói an sinh xã hội hơn 62 nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn tỷ đồng đang dự trù tại các chính sách miễn, giảm thuế và hỗ trợ an sinh xã hội sắp được phê duyệt trong giai đoạn tới.
Không phải là những con số trên giấy, để chính sách thực sự đến đúng đối tượng, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt các cấp, các ngành thay đổi cách làm, quyết liệt hơn trong công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đánh giá về việc ban hành và thực thi các giải pháp này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phản ứng chính sách, điều hành chung của Chính phủ là kịp thời, tích cực. Theo đó, Việt Nam lựa chọn cách phòng chống dịch, coi là nhiệm vụ quan trọng nhất kết hợp với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khoá, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đó là những nỗ lực lớn rất đáng trân trọng. “Đặc biệt, nếu chống dịch như chống giặc thì giải cứu doanh nghiệp cũng cần khẩn trương như giải cứu đồng đội của mình trong cuộc chiến để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của nhân dân”, ông Lộc nhấn mạnh.
Lắng nghe, cầu thị và chung niềm tin chiến thắng
Ở thời điểm ban đầu, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ giới hạn phạm vi đối tượng doanh nghiệp với tổng số tiền thụ hưởng khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Sau đó, tiếp thu các ý kiến góp ý, gói chính sách tài khóa này đã bổ sung thêm nhiều đối tượng thụ hưởng, từ đó nâng số tiền gia hạn lên khoảng 180 nghìn tỷ đồng.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục có các cuộc làm việc để khuyến khích sự đồng lòng của các ngân hàng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, lắng nghe phản hồi của các doanh nghiệp, NHNN đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm gói chính sách này, tránh tình trạng gây khó dễ cho người thụ hưởng.
Tiếp đó, nhiều địa phương đã có những cuộc đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt thực tế triển khai chính sách và có các giải pháp kịp thời.
Không dừng ở đó, một dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh sắp được trình Quốc hội với những đề xuất mạnh mẽ, thiết thực về giảm thuế, phí, phát triển thị trường cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Quan sát quá trình lấy ý kiến để ban hành và thực thi chính sách, ông Võ Trí Thành nhận xét, việc ban hành và thực thi các chính sách gỡ khó cho thấy Chính phủ đã có sự thấu hiểu, sẻ chia với doanh nghiệp và người dân. Chính sách hỗ trợ về cơ bản vẫn đảm bảo được các mục tiêu là hỗ trợ thiết thực và kịp thời, phù hợp cả quy mô và cách thức. Việc giãn, hoãn thuế và trao tiền mặt cho hàng chục triệu người là chưa từng có tiền lệ song vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, Chính phủ vẫn còn ít nhiều dư địa chính sách để ứng phó cho những kịch bản khác, có thể là kịch bản xấu nhất trước diễn biến dịch và cả kịch bản hậu dịch để phát triển kinh tế.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, cách thức hỗ trợ của Chính phủ là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo tiền đề cho phát triển các bước tiếp theo. Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ có biện pháp hỗ trợ đào tạo người lao động, hay như việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công vào các dự án kết cấu hạ tầng, giao thông trọng điểm nhằm giúp “bù đắp” tăng trưởng và tạo một nền tảng cần thiết cho phát triển trong tương lai.
Cùng quan điểm, theo ông Vũ Tiến Lộc, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng. Mục tiêu của gói giải pháp ở giai đoạn này nhằm “trợ giúp” cho doanh nghiệp là phù hợp và vì vậy, phải xoay quanh các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ giá thành, bán được hàng, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể duy trì sản xuất, cầm cự hay ít nhất là bảo toàn được trong trạng thái “ngủ đông”.
“Hỗ trợ là để phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng. Chính sách trợ giúp thông qua tài khóa thì có thể khó khăn hơn. Cho nên sự phối hợp giữa các định chế tài chính và tín dụng là việc quan trọng nên làm trong cả giai đoạn “trợ giúp” và “giải cứu” cho nền kinh tế để có thể tạo ra tác động cộng hưởng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Còn theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay đã khiến cho nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ. Nhưng cũng như mọi đợt dịch, dù dài hay ngắn, dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi. Chính phủ cần ứng xử chính sách thế nào để giúp nền kinh tế phục hồi, tiếp đà tăng trưởng như những năm vừa qua? “Sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cần nhất là mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Niềm tin đó đã được khẳng định với sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Khảo sát của nền tảng nghiên cứu Dalia cuối tháng 3 chỉ rõ, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân hài lòng cao nhất về phản ứng của Chính phủ đối với dịch bệnh, với 62% người Việt Nam cho rằng Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng thể hiện đồng tình, ủng hộ, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch tốt vừa phát triển sản xuất kinh doanh” của Chính phủ. Vững tin ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn chúng ta vượt qua khó khăn này, là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp.
Niềm tin ấy cùng sự đoàn kết, chung một ý chí, hành động của người dân và cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ là nhân tố tạo nên sức mạnh giúp Việt Nam tiếp tục chiến thắng dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi, ổn định tăng trưởng kinh tế, viết tiếp những trang sử mới trong kỷ nguyên phát triển và hội nhập của dân tộc.