Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2016 tăng cho thấy môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đang tốt lên. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 273,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng vốn và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 100,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,7% và tăng 11,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,9% và tăng 13,5%. Tuy nhiên, GDP quý I/2016 của nước ta tăng 5,46%, có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,03% của cùng kỳ năm 2015.
“Như vậy, với mức tăng vốn đầu tư xã hội cao hơn, trong khi mức tăng GDP thấp hơn cùng kỳ năm ngoái cho thấy có sự giảm sút hiệu quả đầu tư xã hội nói chung”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Tính cả năm 2015, vốn đầu tư toàn xã hội tăng với tốc độ chậm hơn mức tăng trưởng của GDP (GDP năm 2015 có mức độ tăng cao trong bối cảnh của lạm phát thấp và các yếu tố kinh tế vĩ mô ngược với quý I/2016). Do đó, khi bước sang quý I/2016, tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (10,7% so với 9,7%), trong khi đó mức tăng trưởng GDP của quý I/2016 lại thấp hơn (5,46% thấp hơn so với mức tăng 6,03% của quý I/2015) đã dấy lên quan ngại về vấn đề hiệu quả của đầu tư xã hội hay là do đầu tư không đúng hướng nên “không hòa” được giá trị của đầu tư vào tăng trưởng của sản xuất.
TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, việc “giảm sút” của hiệu quả đầu tư có thể xuất phát từ việc đầu tư ban đầu (đầu năm có thể là những đầu tư máy móc, thiết bị…) nên chưa tạo ra được giá trị hàng hóa, giá trị gia tăng. Việc chưa mang lại được hiệu quả đầu tư xã hội ngay trong quý I là có thể “hiểu được”, giống như việc xuất khẩu đầu năm kém một chút, cuối năm tăng dần.
Ở góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, vốn đầu tư thực hiện quý I/2016 tăng 10,7%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2015, là dấu hiệu quan trọng cho thấy môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đã và đang được nhìn nhận ngày càng tốt hơn.
Ông Tú Anh cũng cho rằng, không có sự giảm sút hiệu quả đầu tư xã hội nói chung, bởi đầu tư của chúng ta chủ yếu vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và những khu vực này đều tăng trưởng không kém năm trước. Tốc độ tăng trưởng quý I/2016 sụt giảm phần lớn do khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm 0,16%. Cùng với đó, đầu tư của quý I tăng mạnh và do vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân tăng, phần này chủ yếu đang ở giai đoạn đầu tư, xây dựng nhà xưởng... Do đó, chưa thể tạo hiệu quả đầu tư ngay vào GDP của quý I/2016.