Hà Nội - điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển. Kết quả cho thấy, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài có sự tăng trưởng rõ rệt. Ngay trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chảy vào Hà Nội. Để tiếp tục đón dòng vốn ngoại hậu Covid-19, nhiều giải pháp đã được các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đề xuất.
Hà Nội - điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư

Thu hút đầu tư hiệu quả

Theo ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch TP. Hà Nội (HPA), từ năm 2016 đến nay, thông qua việc tổ chức các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển, TP. Hà Nội đã thu hút được lượng vốn đầu tư trong nước và quốc tế khá lớn, tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Cụ thể, năm 2016, thông qua hội nghị đã thu hút 23 dự án với tổng vốn đầu tư 36.919 tỷ đồng; năm 2017 thu hút 74.369 tỷ đồng vốn đầu tư với 48 dự án; năm 2018 thu hút 71 dự án với tổng vốn đầu tư 397.000 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2018 - 2019, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 8,669 tỷ USD, cao nhất sau năm 30 năm mở cửa và hội nhập.

Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2019 đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 79,6% vốn đầu tư đăng ký trong năm (tăng 3 lần so với năm 2018). Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư vào TP. Hà Nội với 10,9 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 8,2 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 6,3 tỷ USD. Quy mô đăng ký trung bình là 7,6 triệu USD/1 dự án.

Ngay trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào thủ đô Hà Nội. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 19/5/2020, Hà Nội đã thu hút được 1,045 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 255 dự án được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 327 triệu USD; 63 lượt dự án tăng vốn với số vốn bổ sung 378 triệu USD; 468 lượt góp vốn mua cổ phần đạt 340 triệu USD.

Các dự án lớn đã được cấp phép gồm: Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam (nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư qua Đài Loan) - 174,5 triệu USD; Dự án Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc) - 47 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn - 246 triệu USD...

Làm gì để đón nhà đầu tư hậu Covid-19?

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hà Nội đang đứng trước cơ hội đón đầu sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia và thách thức là làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực, tiếp tục tiến lên.

Ở góc nhìn của mình, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ là bước đầu, sau đó phải tạo được mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước. Hơn cả là phải làm cách nào để các DN FDI muốn “định cư” lâu dài tại Hà Nội. Do đó, Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ các DN nội địa có khả năng kết nối với các DN FDI, tiếp tục nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, đưa thành phố ngày càng trở thành nơi đáng sống và tươi đẹp hơn.

Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua và Hà Nội cần nắm bắt ngay cơ hội này, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước triển khai nhanh và sớm nhất các dự án PPP. Trước hết, cần thành lập ngay một đơn vị chuyên trách có năng lực phù hợp xây dựng, đề xuất, đưa ra các dự án PPP của TP. Hà Nội để kêu gọi đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, đại diện WB đề xuất.

Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội muốn thu hút đầu tư hiệu quả hơn thì cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung đầu tư thêm, kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các nhà đầu tư.

Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị, Việt Nam triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN và đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Quốc hội đã thông qua Luật PPP góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, xây dựng môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Ông Yamada Takio bày tỏ mong muốn, Việt Nam sẽ nỗ lực để nâng cao mức tín nhiệm quốc gia từ BB sang BBB.

Chuyên đề