Gói thầu tôn tạo di tích tại Phú Xuyên (Hà Nội): Tiêu chí chung chung, nhà thầu gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên, Hà Nội (Bên mời thầu) vừa hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08 Chi phí thi công xây dựng của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đa Chất. Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nhà thầu có đề nghị chỉnh sửa một số bất cập của HSMT nhưng Bên mời thầu bảo lưu quan điểm. Kết quả là chỉ có Công ty CP Xây dựng Phú Đạt nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu.
Bên mời thầu vừa hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08 Chi phí thi công xây dựng của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đa Chất Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bên mời thầu vừa hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08 Chi phí thi công xây dựng của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đa Chất Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trao đổi với phóng viên, cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên cho biết, Gói thầu dự kiến được khởi công xây dựng công trình vào tháng 1/2024.

Gói thầu có giá 14,7 tỷ đồng (Dự án có tổng mức đầu tư 19,986 tỷ đồng), phát hành HSMT từ ngày 14/11, dự kiến đóng thầu ngày 24/11 nhưng sau đó được gia hạn và mở thầu ngày 28/11/2023.

Trong thời gian mời thầu, nhà thầu có phản ánh về một số tiêu chí bất cập của HSMT như: yêu cầu nhà thầu kê khai rõ về nguồn gốc vật liệu… phù hợp với yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật, nhưng trong HSMT lại không cung cấp chỉ dẫn kỹ thuật. Do đó, nhà thầu đề nghị Bên mời thầu cung cấp chỉ dẫn kỹ thuật của công trình.

Nhà thầu cũng phản ánh, HSMT yêu cầu phòng thí nghiệm phải có đầy đủ các thí nghiệm cho Gói thầu nhưng không nêu rõ là gồm những thí nghiệm gì. Các tiêu chí chung chung khiến nhà thầu gặp khó khăn trong xây dựng HSDT.

Đặc biệt, HSMT yêu cầu chỉ huy trưởng công trình phải có “Chứng chỉ hành nghề thi công/giám sát thi công tu bổ di tích hoặc trực tiếp tham gia thi công ít nhất 1 công trình tu bổ di tích cấp III trở lên”. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu này không phù hợp với quy định tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP (quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh) và đề nghị Bên mời thầu làm rõ.

Phúc đáp ý kiến của nhà thầu, Bên mời thầu cho rằng, chỉ dẫn kỹ thuật chỉ bắt buộc thực hiện lập đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II. Đối với gói thầu này, chỉ dẫn kỹ thuật được thể hiện trong Chương 5 nêu danh sách vật tư, thiết bị chính sử dụng cho gói thầu và tiêu chuẩn thi công liên quan và đề nghị nhà thầu dựa trên HSMT đã phát hành để lập HSDT. Đối với yêu cầu về phòng thí nghiệm, Bên mời đề nghị nhà thầu căn cứ vào khối lượng mời thầu, bản vẽ thi công để chứng minh khả năng huy động phòng thí nghiệm theo yêu cầu của HSMT. Đồng thời, Bên mời thầu bảo lưu quan điểm về các tiêu chí khác và cho rằng, đưa ra yêu cầu như vậy là đảm bảo và không nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Ngày 28/11/2023, Bên mời thầu tiến hành mở thầu Gói thầu số 08. Nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Công ty CP Xây dựng Phú Đạt. Hiện nay, nhà thầu này cũng đang thi công Gói thầu số 07 Chi phí thi công xây dựng của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nam Phú (giá trúng thầu 9,869 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên mời thầu.

Liên quan đến Chứng chỉ hành nghề thi công/giám sát thi công tu bổ di tích, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP quy định, chứng chỉ này được cấp cho cá nhân khi đáp ứng các điều kiện đối với từng trường hợp cụ thể, gồm Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích; Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích. Nghị định số 61 quy định, thẩm quyền cấp loại chứng chỉ hành nghề này thuộc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao địa phương. Một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đây là chứng chỉ bắt buộc đối với tổ chức và cá nhân tham gia lĩnh vực này.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, gói thầu nêu trên là công trình tôn giáo nên ngoài tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, xây dựng, phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành (Luật Di sản văn hóa 2009 và các văn bản hướng dẫn dưới luật). Do đó, yêu cầu đối với nhân sự chỉ huy trưởng công trình theo hướng phải có Chứng chỉ hành nghề thi công/giám sát thi công tu bổ di tích hoặc trực tiếp tham gia thi công ít nhất 1 công trình tu bổ di tích cấp III trở lên, là khá lỏng. Theo đó, nhà thầu trúng thầu cần đáp ứng cả 2 điều kiện, còn chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 điều kiện là Bên mời thầu đã “hạ tiêu chí” mời thầu.

Bên cạnh đó, việc HSMT có tiêu chí rõ ràng về đánh giá HSDT, nhưng lại không cụ thể hóa và chi tiết yêu cầu có thể gây khó khăn cho nhà thầu về các yếu tố định lượng cần đạt được trong việc lựa chọn vật liệu thi công, đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Chuyên đề