Nhà thầu dự kiến được chỉ định thực hiện phần việc còn lại của Gói thầu đã thi công nhiều công trình cho Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên |
Theo đó, trong quý III/2018, Nhà trường sẽ thực hiện chỉ định thầu đối với phần khối lượng công việc còn lại của Gói thầu Thi công xây lắp hạng mục Nhà đa năng với giá trị hơn 10 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 150 ngày, loại hợp đồng trọn gói.
Như Báo Đấu thầu đã thông tin, ngày 13/8/2018, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã có văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thi công gói thầu nói trên với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Linh vì nhà thầu này liên tiếp vi phạm tiến độ hợp đồng, tự ý bỏ dở công trình và không có năng lực thực hiện hợp đồng. Gói thầu sử dụng nguồn vốn đầu tư phân bổ từ Chương trình chính sách giáo dục đại học vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo thời hạn vay vốn của Chương trình, gói thầu này phải hoàn thành trước 31/12/2018. Như vậy, trên thực tế, nhà thầu được chỉ định để thay thế nhà thầu vi phạm thi công phần công việc dở dang còn lại sẽ không có đủ 150 ngày để thực hiện hợp đồng.
Theo một cán bộ của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, nhà thầu dự kiến được chỉ định thay thế thực hiện phần công việc dở dang của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Linh là một nhà thầu có năng lực, đã thi công nhiều công trình cho Nhà trường và đều bảo đảm về mặt tiến độ cũng như chất lượng thi công.
Về hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Linh, vị cán bộ của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho biết, trước mắt, Nhà trường chưa đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (ngoài việc chấm dứt hợp đồng), và cũng chưa nhận được ý kiến nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến hình thức xử lý vi phạm đối với nhà thầu này, ngoài việc đồng ý cho phép chỉ định thầu phần khối lượng công việc dở dang.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư/bên mời thầu, tổ chuyên gia chấm thầu (đánh giá hồ sơ dự thầu) và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu khi chọn nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực trúng thầu. Bên cạnh đó, cần có hình thức xử lý thích đáng, phù hợp với hành vi vi phạm của nhà thầu (như hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu…) để tạo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong đấu thầu.