Gói thầu bảo hiểm thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Kiến nghị sửa đổi nhiều tiêu chí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu đã có kiến nghị đến Báo Đấu thầu và có văn bản đề nghị làm rõ, sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với HSMT Gói thầu Bảo hiểm công trình xây dựng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 địa phận tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là GT). Các kiến nghị cho rằng, HSMT đang tạo lợi thế cho 1 nhà thầu, không đảm bảo cạnh tranh.
Nhiều nhà thầu đã có kiến nghị sửa đổi nhiều tiêu chí Gói thầu bảo hiểm thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều nhà thầu đã có kiến nghị sửa đổi nhiều tiêu chí Gói thầu bảo hiểm thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

GT có dự toán 18.257.985.537 đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo các nhà thầu có kiến nghị, nhiều tiêu chí đánh giá HSDT đang hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Trong đó, với 2 tiêu chí đưa ra trong HSMT, chỉ 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (DNBHPNT) có thể đáp ứng. Đó là “Nhà thầu có dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại 31/12/2022 ≥ 2.072 tỷ đồng” và “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc tại 31/12/2022 ≥ 50%”. Cả hai tiêu chí đều yêu cầu “trong trường hợp nhà thầu liên danh thì thành viên đứng đầu liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”.

Theo số liệu tài chính của các DNBHPNT đã công bố công khai, nếu tính năng lực thành viên đứng đầu liên danh, chỉ có 2 DNBHPNT tại Việt Nam đáp ứng. Tuy nhiên khi kết hợp với tiêu chí “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc tại 31/12/2022 ≥ 50%” thì chỉ còn lại 1 doanh nghiệp đáp ứng với vai trò nhà thầu độc lập hoặc nếu liên danh thì phải do doanh nghiệp này đứng đầu liên danh.

Hơn nữa, theo các nhà thầu, 2 tiêu chí trên lại không phải là tiêu chí then chốt để đánh giá năng lực tài chính của DNBHPNT. Theo pháp luật về bảo hiểm, dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc được sử dụng để chi trả cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết, tức là được dùng để chi trả cho những tổn thất đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, không thể sử dụng cho việc đảm bảo tài chính thực hiện đối với gói thầu này. Do đó, đây không phải là tiêu chí then chốt để chứng minh khả năng sẵn sàng chi trả khi phát sinh rủi ro cho gói thầu đang xét.

Cùng với đó, việc HSMT yêu cầu “nếu là nhà thầu liên danh thì thành viên đứng đầu liên danh phải đáp ứng”, gây hạn chế các nhà thầu khác liên danh với nhau để đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu cũng không đồng tình với các tiêu chí: Tăng trưởng vốn chủ sở hữu từng năm trong 3 năm 2020, 2021,2022 >0; Chỉ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) tại 31/12/2022 ≥ 5%; Tỷ lệ biên khả năng thanh toán tại 31/12/2022 ≥150%. Với cả 3 tiêu chí này, HSMT yêu cầu trong trường hợp nhà thầu liên danh, tất cả thành viên phải đáp ứng yêu cầu này. Theo các nhà thầu, các mức đưa ra không phù hợp với Thông tư 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm.

Các nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu/Chủ đầu tư xem xét loại bỏ hoặc thay đổi các tiêu chí nêu trên để phù hợp với pháp luật về bảo hiểm, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, để không hạn chế sự tham gia của nhà thầu, trường hợp liên danh, quy định “Từng thành viên liên danh đáp ứng yêu cầu như đối với nhà thầu độc lập nêu trên nhân (x) với tỷ lệ tham gia theo thỏa thuận liên danh”.

Ngày 30/8/2023, Bên mời thầu có công văn trả lời làm rõ, cho rằng các tiêu chuẩn đánh giá là phù hợp với quy mô gói thầu và bảo lưu cả 5 tiêu chí nêu trên. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá như HSMT nhằm mục tiêu cao nhất là lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất, đảm bảo đủ khả năng thanh toán cho các tổn thất nếu công trình xảy ra rủi ro, đồng thời đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch. Bên mời thầu cũng khẳng định: “Trong trường hợp các nhà thầu độc lập không đủ năng lực tham gia thì có thể liên danh với nhà thầu khác để đáp ứng yêu cầu của HSMT”.

Tuy vậy, thông tin tới Báo Đấu thầu, một số nhà thầu không đồng tình với trả lời của Bên mời thầu. Các nhà thầu cũng dẫn ra HSMT của nhiều gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tính chất, quy mô tương đương hoặc lớn hơn, nhưng HSMT không đưa chỉ tiêu “dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm” để đánh giá năng lực nhà thầu.

Hơn nữa, dù Bên mời thầu nói nhà thầu có thể liên danh, nhưng nếu không liên danh với doanh nghiệp duy nhất đáp ứng tiêu chí thì cũng không thể đáp ứng yêu cầu HSMT. Nhà thầu giữ nguyên các ý kiến kiến nghị.

Theo thông báo mời thầu đăng tải ngày 17/8/2023, GT đóng thầu vào 15 giờ ngày 6/9/2023. Đến 16 giờ ngày 5/9/2023, HSMT vẫn được giữ nguyên. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đến phút chót, Bên mời thầu có thay đổi HSMT? Và nếu không thay đổi, thì kết quả mở thầu có như ước đoán của các nhà thầu kiến nghị?

Chuyên đề