Gỡ vướng, đẩy mạnh giải ngân dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được 19.093 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và 44,4% kế hoạch được Thủ tướng giao. Để công tác giải ngân đạt kế hoạch đề ra, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp, đẩy nhanh giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án.
Trong các tháng còn lại, ngành giao thông vận tải phải giải ngân 24.400 tỷ đồng vốn đầu tư công để hoàn thành kế hoạch năm 2021. Ảnh: Lê Gia Khoa
Trong các tháng còn lại, ngành giao thông vận tải phải giải ngân 24.400 tỷ đồng vốn đầu tư công để hoàn thành kế hoạch năm 2021. Ảnh: Lê Gia Khoa

Theo Bộ GTVT, tháng 7/2021, ngành GTVT giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 2.078 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch. Vì vậy, trong tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đạt con số 3.076 tỷ đồng theo kế hoạch và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7/2021 khoảng 980 tỷ đồng. Đồng thời, các tháng còn lại của năm 2021 phải hoàn thành giải ngân 24.400 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của một số ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT cho biết, để công tác giải ngân đầu tư công ngành giao thông đi vào thực chất thì phải tăng khối lượng thực hiện công việc ngoài hiện trường. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc huy động nhân công, vật liệu, thiết bị, máy móc cho công trình gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng gây áp lực lớn về tiến độ và giải ngân đầu tư công.

Để thúc đẩy giải ngân, các chủ đầu tư đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để nhà thầu vừa thi công công trình, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với một số hạng mục công việc có thể linh hoạt thực hiện trước theo kế hoạch mà không ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể dự án, chủ đầu tư chủ động, báo cáo Bộ GTVT cho phép triển khai để tránh lãng phí nhân lực, máy móc và thiết bị thi công.

Bộ GTVT mới đây đã yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án giao thông phải thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng, xây dựng phương án “3 tại chỗ” cho cán bộ, công nhân làm việc tại công trường; tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Kết quả giải ngân hàng tháng của từng dự án chính là nhiệm vụ và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT được giao tăng cường kiểm tra, kịp thời làm việc với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xem xét tình hình thực tế của từng dự án, từng gói thầu cụ thể để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, khó khăn phát sinh. Các đơn vị liên quan của Bộ GTVT phải chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân đã đặt ra. Đến hết tháng 12/2021 phải đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2022 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch của năm 2021. Trong đó, các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2021.

Chuyên đề