Gỡ nút thắt dòng tiền - Câu chuyện sống còn của ngành bất động sản năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 với những khó khăn tồn đọng từ giai đoạn trước như nguồn vốn bị tắc nghẽn, bất cân xứng cung cầu, sự chồng chéo trong các vấn đề pháp lý và tác động của suy thoái kinh tế, triển vọng ngành bất động sản trong thời gian tới chưa lạc quan, theo khảo sát Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp bất động sản, tháng 2/2020, tháng 2/2021, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp bất động sản, tháng 2/2020, tháng 2/2021, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Theo Vietnam Report, tín hiệu tích cực từ sự thay đổi chính sách được phần lớn doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ là xung lực lớn vực dậy ngành kinh tế quan trọng này.

Cụ thể như gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% đã góp phần phá “băng” cho thị trường. Doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ cũng yêu cầu xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro của các loại hình bất động sản để có được mức lãi suất cho vay phù hợp, tránh việc kiểm soát dòng vốn quá mức.

Không những thế, Chính phủ còn thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, ban hành Nghị định 08 kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm, Nghị định 33 tháo gỡ những điểm nghẽn thị trường bất động sản, đặc biệt là về nguồn vốn và pháp lý...

Từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các vấn đề về pháp lý bất động sản đã bắt đầu xuất hiện. Mặc dù, Chính phủ đã có những cải cách, đột phá nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi, dự án vẫn bị đình trệ do quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng bị kéo dài… Lĩnh vực bất động sản, xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của hơn 100 nghị định, thông tư khác nhau.

Trong năm 2023, nếu Chính phủ có những hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ vấn đề thủ tục pháp lý, quy định liên quan đến dự án, nguồn cung cho các dự án sẽ dồi dào hơn. Đây là đề xuất của 50,0% doanh nghiệp ngành bất động sản tham gia khảo sát của Vietnam Report. Theo chia sẻ của phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ khó có thể chuyển biến nếu những vấn đề về chính sách pháp lý chưa được giải quyết một cách triệt để.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp bất động sản, tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp bất động sản, tháng 2/2023

Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành cũng nhận thức rằng tự mình phải cứu lấy mình. Kết quả khảo sát của Vietnam Report, 6 động lực tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng của doanh nghiệp lần lượt là: Tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nắm bắt được xu hướng thị trường; Vị thế và năng lực cạnh tranh; Đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao; Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam tăng mạnh; Các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ (giảm thuế, giãn nợ,…); Nhiều khó khăn vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản đã và đang được tập trung tháo gỡ. Trong 6 trụ cột được kỳ vọng là động lực tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2023, có 3 yếu tố đến từ nội lực của doanh nghiệp.

Cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia trong ngành kỳ vọng, nguồn vốn đầu tư FDI và xu hướng M&A sẽ tạo ra cơ hội "đổi đời" cho ngành bất động sản trong năm 2023. Tính đến quý I/2023, hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị thế là ngành đứng thứ hai về thu hút FDI với 766 triệu USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Cushman & Wakefield, tổng khối lượng giao dịch của các thương vụ M&A bất động sản đã chính thức công bố rộng rãi trong năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD. Đây là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Tiến trình chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" của doanh nghiệp bất động sản

Phát triển bền vững là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay. Ngành bất động sản được xem là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, có quan hệ trực tiếp với ngành tài chính tiền tệ, xây dựng, vật liệu xây dựng và thị trường lao động…

Thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững ở Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tạo ra sức hút các nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo khảo sát của Vietnam Report trong 2 năm 2022 - 2023, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận tỷ suất sinh lợi thấp hơn để đổi lấy lợi ích xã hội, môi trường tăng từ 64,3% lên 85,7%. 79,3% doanh nghiệp bất động sản trả lời khảo sát cho biết, chiến lược phát triển bền vững nằm trong trọng tâm kinh doanh năm 2023, trong khi con số này chỉ là 58,6% vào năm 2022. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đối với các vấn đề chung của toàn xã hội.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các doanh nghiệp chủ động gia tăng các chiến lược liên quan đến bền vững là một trong những cách thức ghi điểm trong mắt nhà đầu tư, thu hút dòng vốn xanh từ thị trường thế giới.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp ngành Bất động sản, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 2/2022 và Tháng 02/2023

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp ngành Bất động sản, thực hiện bởi Vietnam Report – Tháng 2/2022 và Tháng 02/2023

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, hành động Giảm thiểu lãng phí có sự tăng lên mạnh mẽ so với năm 2022 (+18,8%). Giảm thiểu lãng phí là việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản, nhân lực, thời gian và tài nguyên một cách hiệu quả, hạn chế các hoạt động không tạo ra thêm giá trị cho chuỗi cung ứng. Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, thanh khoản vậy nên nếu có thể giảm thiểu lãng phí sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được nguồn lực cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp mình. Trong dài hạn, hành động này cũng sẽ giúp ích lớn trong việc bảo tồn tài nguyên, năng lượng cho môi trường, xã hội khi nguồn năng lượng, tài nguyên trên trái đất đang dần cạn kiệt.

Trong hệ sinh thái bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng, bất động sản là ngành "đứng giữa" người tiêu dùng và bên sản xuất. Vậy nên, phát triển bất động sản bền vững thành công phải có sự chung tay góp sức của cả người tiêu dùng và bên sản xuất.

Hiện nay, chân dung người mua nhà đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước. Nếu như trước đây người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư, đi lại thuận tiện, thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở và môi trường sống xanh đang trở thành thước đo mới khi người mua nhà tìm nơi an cư. Tuy nhiên, nguồn cung của những dự án công trình xanh vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí đầu tư cao và đòi hỏi nghiêm ngặt. Để đạt chứng chỉ xanh LEED, LOTUS hay EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ở mức cho phép. Để đạt được điều này, cần sự chung tay của các đối tác xây dựng và vật liệu xây dựng. Vậy nên có đến 39,0% doanh nghiệp bất động sản cho biết sẽ tăng cường Thúc đẩy các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững để có thể dung hòa giữa nhu cầu của người mua và đối tác xây dựng.

Trên tiến trình phát triển bền vững của doanh nghiệp luôn có "người bạn đồng hành" là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Đây là nhân tố sẽ thúc đẩy quá trình "xanh" hóa của doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp bất động sản có sự tăng nhẹ so với năm 2022, từ 3,70 lên 3,75 điểm trên thang điểm 5, dần tiệm cận với mức ứng dụng cao. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản sử dụng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và Phân tích và khai thác hệ thống khách hàng qua hệ thống BI (Business Intelligence) đều tăng mạnh xấp xỉ 1,2 điểm.

Chuyên đề