Gỡ khó, khôi phục sản xuất cho khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước hàng loạt khó khăn, thách thức do dịch bệnh đang phải đối mặt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề xuất nhiều nhóm giải pháp để tháo gỡ, duy trì hoạt động của khu công nghiệp với vai trò là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Nhiều nguy cơ, thách thức đang đe dọa hoạt động của các khu công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nguy cơ, thách thức đang đe dọa hoạt động của các khu công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hiện nay, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí, giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, DN còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như xét nghiệm; chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh; duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ. Trong khi đó, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng ảnh hưởng đến duy trì sản xuất, kinh doanh. DN không còn đủ vốn lưu động chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng. Việc triển khai đồng thời các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh hiện quá tải so với “sức khỏe” tài chính của DN.

Mới đây, một số hiệp hội có DN hoạt động trong khu công nghiệp đã kiến nghị Chính phủ xây dựng và triển khai các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, không cho phép các địa phương tùy tiện áp dụng các biện pháp gây khó khăn cho DN. Đồng thời đề xuất tiếp tục kéo dài các gói hỗ trợ DN đến hết năm 2021 cũng như bổ sung chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, dùng ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất vay ngân hàng cho DN, giảm tiền điện, nước, hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19, giảm mức phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục có chiều hướng phức tạp, thị trường quốc tế và trong nước phục hồi chậm. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Đó là, nguy cơ đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng khiến cho DN khó phục hồi ngay sau dịch. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều DN có thể phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, thậm chí mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ KH&ĐT, trong 8 tháng năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 8,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 151 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng lần lượt 7,3% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các chỉ số về tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 để kịp thời hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo đề xuất mới đây của Bộ KH&ĐT, nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết để hỗ trợ khu công nghiệp là triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất". Tiếp theo là thúc đẩy thực hiện vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các dự án, DN và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19...

Về lâu dài, cần tạo nền tảng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phục hồi và phát triển. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành thống nhất xác định phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; đảm bảo hoạt động của các khu, cụm này thống nhất theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”.

Các địa phương cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội trực tiếp hỗ trợ DN trong thời dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề