Gỡ khó cơ chế để TP.HCM hoàn thiện hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022 là năm bản lề để TP.HCM chuyển trọng tâm từ phòng chống dịch sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo nền tảng bứt phá. Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải được TP.HCM đặc biệt quan tâm. Với nhu cầu đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, TP.HCM cần có những chính sách đột phá, đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.
Hiện hạ tầng của TP.HCM chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao và khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, giảm sức cạnh tranh. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện hạ tầng của TP.HCM chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao và khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, giảm sức cạnh tranh. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo nhiều doanh nghiệp, hiện hạ tầng của TP.HCM chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao và khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, giảm sức cạnh tranh. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, TP.HCM cần đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đường bộ, đường hàng không và hàng hải, tăng cường hạ tầng logistics.

Ông Park Hyun Bae, Tổng giám đốc Công ty TNHH KCTC Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần có giải pháp nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải và hậu cần logistics, bởi hiện nay các cảng của Thành phố đều đang chịu áp lực lớn hiện đang quá tải các cảng do hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ. Điển hình là Cát Lái - cảng lớn nhất TP.HCM nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mỗi năm lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng tới 30%, trong khi hạ tầng cảng đã được xây dựng từ năm 2007, không đáp ứng được, dẫn đến nguy cơ ùn ứ và quá tải. TP.HCM cần nâng cấp nhanh chóng cảng Hiệp Phước, cảng trung chuyển Cần Giờ để giảm áp lực thông quan hàng hóa.

Trên thực tế, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM là rất lớn, nhưng công tác đầu tư cững gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho thấy, đến nay Thành phố chỉ mới hoàn thành 2/5 đường cao tốc (TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), đang xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2023. Về đường Vành đai 2 đã đầu tư được 54,6/64,1 km, Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư theo quy hoạch; các quốc lộ 1, 1K, 50, 22 và 13 chưa được nâng cấp, mở rộng...

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, theo kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM cần 970.654 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm. Chỉ tính riêng kế hoạch tập trung huy động nguồn vốn ưu tiên đầu tư các dự án như đường Vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; cầu đường Nguyễn Khoái, ngân sách thành phố đã phải chi hơn 72.000 tỷ đồng. “Với ngân sách eo hẹp như hiện nay, Thành phố cần có cơ chế đặc thù, cách làm mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và doanh nghiệp”, ông Lâm chia sẻ.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM là dự án đầu tiên mà Thành phố chủ động đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm sớm triển khai hiệu quả, sắp xếp nguồn vốn. “Chia dự án thành phần, hỗ trợ kinh phí từ cân đối bố trí thêm từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ kèm các điều kiện ràng buộc nhằm lựa chọn được đơn vị thi công đủ năng lực… là những cơ chế đặc thù để giúp TP.HCM tăng cường các dự án giao thông huyết mạch, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết.

TP.HCM cũng đang nỗ lực để xây dựng các trung tâm logicstics vận tải, kho hàng, các dịch vụ hỗ trợ… tại các cảng Long Bình, Cát Lái, Tân Kiên, Long Phước nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu hàng, xếp dỡ cho doanh nghiệp. “Lĩnh vực này hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp và Thành phố cùng triển khai. Tại TP.HCM, nhiều dự án logistics do doanh nghiệp thực hiện phát huy hiệu quả, điều đó cho thấy chỉ cần cơ chế thông thoáng và sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư hạ tầng”, đại diện Sở Công Thương TP.HCM nhận định.

Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM cần những cơ chế đặc thù để phát huy nội lực, cởi trói cho doanh nghiệp. Nhiều dự án ở các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, logictics, công nghệ… sẽ thành công khi mạnh dạn trao quyền tự chủ cho TP.HCM cũng như trao cơ hội để doanh nghiệp chung sức cùng Thành phố.

Chuyên đề