Gỡ điểm nghẽn cố hữu, thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế đang vững đà phục hồi, tăng trưởng, nhưng vẫn còn rủi ro, thách thức. Việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là rất quan trọng, cấp thiết nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững…
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tấn Tiên
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tấn Tiên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đến ngày 31/8/2022 là 212.227,28 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,6%). Tuy nhiên tính về số tuyệt đối giải ngân thì năm 2022 cao hơn năm 2021.

Có đến 42 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (39,15%), trong đó có 12 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao.

Những khó khăn, vướng mắc cản trở giải ngân vốn đầu tư công dường như là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” suốt nhiều năm qua. Bên cạnh yếu tố đặc thù của từng năm kế hoạch, nhân tố chủ quan trong tổ chức triển khai, thì thể chế, chính sách điều chỉnh hoạt động dự án đầu tư công còn bất cập làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nhất là các chính sách về đất đai, tài nguyên môi trường, NSNN, công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công đã nhiều lần được chỉ ra.

Ví dụ như về lĩnh vực đất đai, nhiều địa phương phản ánh, việc xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật còn chưa thống nhất; một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Luật Khoáng sản năm 2010 quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản, việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép… Việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 m2 vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là không cần thiết và thêm thủ tục cho các dự án...

Báo cáo Chính phủ ngày 4/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, ngoài 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và những khó khăn trong tổ chức thực hiện, đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 7, còn có một số vướng mắc khác. Đó là thủ tục phức tạp khi chuyển đổi đất trồng lúa; việc đăng ký, xin phép sử dụng tài nguyên nước đối với dự án thủy lợi có khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn hơn 0,l m3/s; chưa có quy định, hướng dẫn về chi phí nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa được tính trong tổng mức đầu tư, dự toán của dự án; việc áp dụng thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trước ngày 15/11 năm kế hoạch như chi thường xuyên là chưa phù hợp với tính chất chi đầu tư vì cần có khối lượng để thanh toán, nhất là vào cuối năm.

Theo Bộ KH&ĐT, cần khẳng định rằng có những vướng mắc đã được nhận diện, tồn tại, phản ánh từ lâu như công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai, vật liệu… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm. Do đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải triển khai rà soát ngay những điểm nghẽn trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Xác định thể chế là điểm nghẽn cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, ngay sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ KH&ĐT đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Trên cơ sở kết quả 6 Tổ công tác kiểm tra cuối tháng 8/2022, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện bổ sung Dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương, giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022. Về giải pháp, tập trung vào khó khăn, vướng mắc về thể chế; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi ngay quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Bộ KH&ĐT cho rằng, việc sớm ban hành Nghị quyết cùng với các biện pháp đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vừa thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, vừa triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra.

Chuyên đề