Tạo chuyển biến mạnh trong giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã có cuộc cách mạng về cắt giảm số dự án để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Đến nay, rất cần thêm một cuộc cải cách nữa về thủ tục hành chính, về quy định pháp luật để tháo gỡ một trong những điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân - đó là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công.
Tiến độ giải ngân chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Tấn Tiên
Tiến độ giải ngân chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Tấn Tiên

Chính phủ sát sao, xắn tay cùng thúc đẩy giải ngân

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến và thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau những đợt kiểm tra, đôn đốc, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương bước đầu khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế để tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng phản ánh xu hướng, đặc thù giải ngân vốn đầu tư công là những tháng đầu năm chậm, tăng tốc vào cuối năm (7 tháng năm 2021 đạt 36,71%, cuối năm 2021 đạt khoảng 95%). Những tháng đầu năm 2022, các dự án thi công để lấy khối lượng thanh toán cho phần đã tạm ứng vào cuối năm 2021, còn các dự án mua sắm trang thiết bị theo hợp đồng thanh toán vào cuối năm.

Dù vậy, tỷ lệ giải ngân của 7 tháng vẫn được đánh giá là thấp và còn tới 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…

Theo Bộ KH&ĐT, dự báo trong các tháng còn lại của năm 2022, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mùa mưa bão ở miền Trung và Tây Nguyên… sẽ tiếp tục tác động tới hoạt động triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Do vậy, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan đã tồn tại lâu nay là yêu cầu cấp thiết.

Không để thủ tục níu giải ngân đầu tư công

Theo báo cáo của 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sau khi làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã cản trở tiến độ giải ngân đầu tư công, được phân thành 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất liên quan đến thể chế, chính sách về lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, ngân sách nhà nước (NSNN) và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công. Nhóm thứ hai liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN; các cấp, các ngành và người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc. Nhóm thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022 như giá nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về đất, cát để san lấp mặt bằng.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, để có sự thay đổi lớn về giải ngân đầu tư công thì cần xử lý rất nhiều vướng mắc, vì mỗi dự án đầu tư công không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công, mà còn bị chi phối bởi nhiều luật và phải thực hiện tuần tự từng thủ tục trong từng giai đoạn dự án.

Để có sự thay đổi lớn về giải ngân đầu tư công thì cần xử lý rất nhiều vướng mắc, vì mỗi dự án đầu tư công không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công, mà còn bị chi phối bởi nhiều luật và phải thực hiện tuần tự từng thủ tục trong từng giai đoạn dự án.

Theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, tùy từng tính chất của dự án như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kiến trúc…

Trước hết, dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, tiếp đó là quyết định đầu tư dự án để giao kế hoạch vốn đầu tư hằng năm. Cơ bản, việc thực hiện quy trình này chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Sau khi được bố trí kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, để có thể giải ngân, chủ đầu tư thực hiện công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thanh toán… Toàn bộ hoạt động này được điều chỉnh bởi các quy định khác nhau tại Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật NSNN…

Theo nhiều địa phương, mỗi một giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó việc thực hiện phải tuần tự theo quy định của pháp luật, không được thực hiện trước các hoạt động nên vướng mắc nhỏ ở một bước sẽ ảnh hưởng tới tiến độ tổng thể của dự án.

Hết 6 tháng, Hà Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân của cả nước. Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30 - 35 ngày. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư mất trung bình trên dưới 1 năm; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất lúa, đất rừng cũng chưa phù hợp với những dự án nhỏ sử dụng ít đất lúa, đất rừng dẫn đến kéo dài thời gian…

Ngay cả dự án quy mô nhỏ, theo ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) - Chi nhánh miền Trung, cũng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục. Thời gian thực hiện các thủ tục, chuẩn bị đầu tư từ khi có chủ trương đầu tư đến bước lựa chọn nhà thầu thi công còn kéo dài, thường từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Do đó, từ khi lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) đến khi tổ chức lập thiết kế - dự toán (xác định giá gói thầu) đến tổ chức lựa chọn nhà thầu và sau đó triển khai thi công thì giá nguyên vật liệu tại thời điểm thi công so với khi lập dự án đã tăng cao. Ngay cả thủ tục giải quyết điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán phát sinh trong quá trình thi công do thiếu sót từ khâu thiết kế hay đơn vị quản lý sử dụng yêu cầu bổ sung, điều chỉnh công việc cho phù hợp, theo quy định hiện nay cũng mất rất nhiều thời gian để xử lý, có thể mất từ 4 - 6 tháng, thậm chí vài năm. Đại diện VACC đề xuất nên xem xét rút ngắn 30% thời gian trong giai đoạn chuẩn bị công tác đầu tư đối với các dự án có giá trị vừa và nhỏ (nhóm C, nhóm B có giá trị dưới 100 tỷ đồng, nhất là các khâu thẩm định thiết kế cơ sở, dự án đầu tư, các báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…), hoặc có thể tăng mức dự phòng phí của dự án để tránh khi triển khai thi công phải nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư; rút ngắn thời gian, thủ tục điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo vừa công bố tháng 8/2022 nhận định, cách xử lý những ách tắc về thể chế đến nay vẫn khiến cho chương trình đầu tư công liên tục không đạt mục tiêu để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn. Tại một hội thảo của Bộ KH&ĐT, ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của WB nhận định, những giải pháp ngắn hạn đã có nhiều, nhưng chỉ thay đổi tạm thời, vì thế, cần cuộc “đại phẫu” thực sự cho vấn đề này. Bộ KH&ĐT có thể chủ trì một nghiên cứu toàn diện xây dựng lộ trình xử lý điểm nghẽn, tạo thay đổi về chất trong giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh muốn tăng cường giải pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công diễn ra ngay sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Nếu thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì phải báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị; cần phải chỉnh sửa các điều luật, các nghị quyết của Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội.

Từ tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, đánh giá thực tiễn triển khai, Bộ KH&ĐT đề xuất để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một luật sửa nhiều luật), trong đó có Luật Đất đai (vấn đề thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng; Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm "khoáng sản" tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… “Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt)…

Chuyên đề