Giải ngân đầu tư công: Gỡ lực cản từ thủ tục chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân đầu tư công còn chậm ở một số địa phương có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan. Trong đó, quy trình thực hiện có nhiều thủ tục chuyên ngành liên quan đến dự án đầu tư công còn phức tạp, mất nhiều thời gian là lực cản lớn làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công đối với nhiều địa phương.
Quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện tái định cư, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án đầu tư công. Ảnh: Tấn Tiên
Quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện tái định cư, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án đầu tư công. Ảnh: Tấn Tiên

Lực cản đa chiều

Hà Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỉnh có quyết tâm rất lớn để giải ngân hết vốn kế hoạch được giao. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, nổi bật là quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện tái định cư, giải phóng mặt bằng. Theo ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Nam, muốn giải phóng mặt bằng dự án gốc, phải thực hiện tái định cư. Tuy nhiên, thực hiện tái định cư từng dự án mất rất nhiều thời gian, trình tự thủ tục cũng như 1 dự án đầu tư. Quá trình kiểm kê, thông báo, thu hồi đất cũng rất mất thời gian, nếu phải cưỡng chế mất khoảng 1 năm.

Thủ tục khác mất rất nhiều thời gian, theo ông Hoàng Văn Long, liên quan đến chuyển đổi đất lúa. Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, dự án sử dụng trên 10 ha đất lúa phải trình Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, được phê duyệt mới có thể triển khai giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, dự án trên 10 ha đất lúa, thì phải lập, trình Bộ TN&MT báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Hai bước này mất nhiều thời gian. Đối với dự án dưới 10 ha thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh phân cấp cho Sở TN&MT, cắt giảm thời gian phê duyệt ĐTM trong khoảng 10 - 15 ngày. Ngoài ra, Luật BVMT cũng quy định tất cả dự án chuyển đổi đất lúa đều phải lập ĐTM. Có những dự án tái định cư nhỏ, thu hồi chỉ khoảng 0,5 - 1 ha đất lúa cũng phải làm ĐTM. Dù dự án dưới 10 ha phân cấp cho tỉnh phê duyệt ĐTM, nhưng việc lập ĐTM cũng mất thêm thời gian. Hà Nam đề xuất đối với dự án thu hồi đất lúa dưới 3 ha thì làm kế hoạch BVMT.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam, lập quy hoạch 1 khu nhỏ có 6 ha cũng phải mất 45 ngày xin ý kiến cộng đồng dân cư. Trong khi đó, ở địa phương có những khu tái định cư gắn liền với khu dân cư, thôn, xóm, nhiều trường hợp lấy ý kiến chỉ 2 - 3 ngày là xong. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam đề xuất sửa thời gian này, khi đạt đồng thuận theo quy định là được.

Một số lãnh đạo địa phương phản ánh vướng mắc liên quan đến bàn giao công trình điện cho Nhà nước phải trải qua 9 bước, 2 vòng lặp, mất nhiều thời gian, dù một trạm nhỏ cũng phải thực hiện đủ quy trình; vấn đề đấu nối giao thông cũng phải trải qua trình tự thủ tục mất nhiều thời gian dù đã có quy hoạch…

Cần tìm cách tháo gỡ

Thực tiễn từ Hà Nam cho thấy việc thực hiện dự án đầu tư công không chỉ bị chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn bởi rất nhiều luật khác và vướng mắc của Hà Nam chủ yếu là trình tự, thủ tục thực hiện các bước. Đây cũng là vướng mắc chung của rất nhiều địa phương, dẫn đến chậm tiến độ dự án, giải ngân đầu tư công chậm.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, như trường hợp của Hà Nam, vướng mắc liên quan chủ yếu đến lĩnh vực chuyên ngành về đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, kiến trúc, thẩm định ở các bộ chuyên ngành… Ví dụ như vướng giải phóng mặt bằng, Tỉnh đề xuất làm dự án tái định cư riêng cho nhiều dự án đầu tư công, nhưng theo Luật Đất đai không được làm với dự án nhóm B, C…

Bên cạnh chủ động khắc phục những nguyên nhân chủ quan, từ nâng cao năng lực công tác chuẩn bị dự án, năng lực các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, trình tự. Địa phương vướng ở đâu trao đổi trực tiếp với các bộ và Bộ KH&ĐT. Trong phạm vi thẩm quyền giải quyết được ngay, các bộ ngành xắn tay cùng địa phương giải quyết. Vấn đề gì liên quan sửa đổi chính sách, thể chế thì cần tiếp thu, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi pháp luật. Ví dụ những vấn đề liên quan đến đất đai là vướng mắc chung của rất nhiều địa phương, Bộ TN&MT cần nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới. Hay vấn đề lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở bước nhiệm vụ lập quy hoạch sẽ được tổng hợp để đề xuất xem xét nghiên cứu sửa đổi pháp luật liên quan.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải pháp căn cơ là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như pháp luật liên quan, bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, phân cấp triệt để...

Chuyên đề