Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Thêm nhiều giải pháp căn cơ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng, làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện để giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất những giải pháp mang tính căn cơ để tạo thuận lợi, nâng hiệu quả giải ngân đầu tư công hơn nữa.
Theo Bộ Tài chính, số liệu giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 là 22,37% kế hoạch thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ Tài chính, số liệu giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 là 22,37% kế hoạch thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Quyết liệt giải ngân hết kế hoạch vốn

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh; quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được trách nhiệm và có đủ chế tài đối với những tổ chức, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là cần thiết để các quyết sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả.

Số liệu giải ngân 5 tháng năm 2022 như báo cáo của Bộ Tài chính là 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, còn nhiều bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung, thậm chí chưa được 10%. Nguyên nhân giải ngân chậm, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là rất đa dạng, gắn với từng loại hình dự án: các dự án khởi công mới được giao vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu; các dự án mua sắm trang thiết bị theo hợp đồng được thanh toán vào cuối năm; các dự án chuyển tiếp đang thi công, cần có khối lượng mới có thể giải ngân (thông thường những tháng đầu năm các dự án thi công để lấy khối lượng thanh toán cho phần đã tạm ứng vào cuối năm 2021). Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác vừa cố hữu, vừa đặc thù của năm 2022.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi một số quy định pháp luật gây ách tắc đầu tư công chưa thể sớm sửa đổi, thì trước mắt, khâu tổ chức thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương là chìa khóa để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này. Thực tế, trong cùng một thể chế hiện tại, sự chênh lệch về tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương rất lớn; nhiều bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất cao, cho thấy rõ điều này.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã kiến nghị Chính phủ nhiều nhiệm vụ cần triển khai ngay. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công rõ lãnh đạo phụ trách từng dự án, lấy kết quả giải ngân của từng dự án làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn…; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý. Đồng thời, trực tiếp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án được giao quản lý đang triển khai bị đình trệ.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất trong thời gian tới, cần xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao theo đúng thời gian quy định (trước ngày 31/12 năm kế hoạch), trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

Rà soát, sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đầu tư công không chỉ bị chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn bởi rất nhiều Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản… Trong cùng một lúc, phải tuân thủ thực hiện nhiều Luật, mà các khâu trong quy trình, phải xong cái này mới được làm cái kia, nên mỗi một khâu theo từng Luật phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian tới, giải pháp căn cơ là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như pháp luật liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công.

Tại các cuộc họp của 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%), diễn ra tháng 5 vừa qua, nhiều địa phương kiến nghị xem xét, sửa đổi những quy định còn vướng trong nhiều luật liên quan đến đầu tư công. Bộ KH&ĐT cho biết, căn cứ kết quả làm việc của 6 Tổ công tác, Bộ đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc về thể chế của các dự án đầu tư công, gửi Bộ Tư pháp. Trong đó, đã nêu một số nội dung quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị sửa đổi. Trong thời tới, sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế làm chậm quá trình phân bổ, giải ngân đầu tư công; trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… và các Luật có liên quan, bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, phân cấp triệt để. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Chuyên đề