Gỡ “chốt chặn” cản bước nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng các gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng (ĐTQM) nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu đang rất phổ biến hiện nay. Trong số đó, không ít gói thầu bị nhà thầu phản ánh tới Báo Đấu thầu về việc hồ sơ mời thầu (HSMT) “cài cắm” các tiêu chí để hạn chế nhà thầu.
Nhiều gói thầu đến cận kề ngày đóng thầu mới sửa hồ sơ mời thầu khiến nhà thầu “trở tay” không kịp. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều gói thầu đến cận kề ngày đóng thầu mới sửa hồ sơ mời thầu khiến nhà thầu “trở tay” không kịp. Ảnh: Tiên Giang

Với nhiều quy định mới “chỉ mặt đặt tên” các trường hợp vi phạm của HSMT, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT (TT08) quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG) có hiệu lực từ ngày 16/9/2022 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ tình trạng “lập chốt”, “quây thầu”, hạn chế nhà thầu tham gia ĐTQM.

Nhiều chiêu cản trở nhà thầu

Thực tiễn ĐTQM cho thấy, các chiêu thức “cài cắm” tiêu chí hạn chế nhà thầu tham gia hết sức đa dạng trong HSMT, dẫn đến rốt cuộc chỉ có 1 nhà thầu “quen” nộp HSDT và trúng thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phùng Minh Khoa - cán bộ đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Nam Thống cho biết, có những gói thầu chỉ dưới 10 tỷ đồng nhưng HSMT “hành” nhà thầu đủ thứ: phải có xác nhận của chủ đầu tư (CĐT) về khảo sát thực địa công trình, được địa phương chấp thuận cho sử dụng bãi đổ thải được cấp phép… Về nhân sự thì yêu cầu một loạt bằng cấp, chứng chỉ của cán bộ, người lao động tham gia thực hiện gói thầu, nhiều yêu cầu rất vô lý, đến lúc cận kề ngày đóng/mở thầu mới chỉnh sửa HSMT nên nhà thầu “trở tay” không kịp.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Diệp cho biết, trong thời gian bị giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có gói thầu mua sắm hàng hóa chỉ mấy tỷ đồng nhưng HSMT bắt buộc nhà thầu phải cung cấp hơn 100 loại hàng mẫu trong thời gian rất ngắn mà nếu không biết trước thì sẽ không thể nào chuẩn bị được. Việc “cài cắm” yêu cầu này nhằm tạo ra rào cản để hạn chế nhà thầu tham dự.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, nhiều gói thầu được tổ chức ĐTQM nhưng HSMT đưa ra rất nhiều yêu cầu bất cập. Với mong muốn được tham gia và có nhiều cơ hội việc làm từ gói thầu được ĐTQM, ban đầu, để giữ “hòa khí” với CĐT, nhà thầu đã nỗ lực đáp ứng tối đa các yêu cầu của HSMT nhưng khi đi vào thực tế, liên hệ với các chủ mỏ vật liệu, chủ trạm trộn bê tông có cự ly gần công trình mời thầu, chính quyền địa phương… để lấy chữ ký xác nhận hoặc làm hợp đồng thì khó khăn vô cùng. Bất đắc dĩ, nhà thầu phải có ý kiến với CĐT về HSMT thì bị ngó lơ, có trường hợp được chỉnh sửa HSMT ở phút chót khiến nhà thầu không kịp làm HSDT.

TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho biết, thực tế nhiều HSMT rõ ràng là có tính định hướng, tạo lợi thế cho nhà thầu địa phương, bị nhà thầu phản ánh, báo chí vào cuộc nhưng không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý đến nơi đến chốn. Điều này tạo ra những tiền lệ không tốt đối với việc chấp hành kỷ cương, đảm bảo tính nghiêm minh của các quy định trong đấu thầu.

“Chỉ mặt đặt tên” các yêu cầu không phù hợp trong HSMT

Từ kinh nghiệm thực tiễn và ý kiến của các nhà thầu, tổ chức, hiệp hội trong quá trình xây dựng TT08, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và tổng hợp tại Phụ lục 9 của TT08 các trường hợp cụ thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ63).

Có 7 trường hợp được xác định hạn chế nhà thầu, gồm: quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; quy định nhà thầu phải có xác nhận tham gia hội nghị tiền đấu thầu hoặc yêu cầu chứng minh việc đã tham gia hội nghị tiền đấu thầu; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu. Bên cạnh đó, quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện trên một địa bàn cụ thể hoặc là công trình tương tự của một đơn vị cụ thể hoặc phải ký với cơ quan nhà nước; quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê. Một quy định nữa cũng được coi là gây hạn chế nhà thầu là quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định.

Lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, những quy định cụ thể về các trường hợp HSMT hạn chế nhà thầu được “liệt kê” tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT là bảng tham chiếu để các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn khi lập HSMT lưu ý, tránh “cài cắm” và không đưa ra các yêu cầu thiếu minh bạch, kém cạnh tranh trong HSMT. Còn nhà thầu có thể soi chiếu các quy định này với HSMT để kịp thời có ý kiến với chủ đầu tư, có cơ sở để không chấp hành một số yêu cầu của HSMT làm hạn chế nhà thầu.

Chẳng hạn, gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức. Quy định này trong HSMT được coi là vi phạm Khoản 2 Điều 12 NĐ63.

Ngoài các quy định nêu trên, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, HSMT được xác định là hạn chế nhà thầu khi đưa thêm các quy định về kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu; yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản.

TT08 cũng nêu rõ, HSMT gói thầu xây lắp không được yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; yêu cầu nhà thầu khi tham dự thầu phải có cam kết hoặc ký hợp đồng nguyên tắc về bãi đổ thải cụ thể, cự ly đổ thải cụ thể, các mỏ vật liệu cụ thể, yêu cầu về cự ly trạm trộn bê tông... trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng... HSMT thiếu bản vẽ hoặc bản vẽ không đầy đủ, không đủ cơ sở để lập HSDT. Việc nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng cũng là trường hợp hạn chế nhà thầu tham gia.

Khoản 5 Điều 25 TT08 cũng nêu rõ, trường hợp HSMT có các nội dung dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm Khoản 2 Điều 12 NĐ63 thì bên mời thầu, tổ chuyên gia không được loại bỏ HSDT không đáp ứng các nội dung này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, những quy định cụ thể về các trường hợp HSMT hạn chế nhà thầu được “liệt kê” tại TT08 là bảng tham chiếu để các CĐT, bên mời thầu, đơn vị tư vấn khi lập HSMT lưu ý, tránh “cài cắm” và không đưa ra các yêu cầu thiếu minh bạch, kém cạnh tranh trong HSMT. Còn nhà thầu có thể soi chiếu các quy định này với HSMT để kịp thời có ý kiến với CĐT, có cơ sở để không chấp hành một số yêu cầu của HSMT làm hạn chế nhà thầu.

Chuyên đề